Wednesday, December 11, 2024

Sau khi chế độ Syria sụp đổ : Trong địa ngục nhà tù Assad (1)
mercredi 11 décembre 2024
Thuymy

(Phóng sự của Arthur Sarradin, đặc phái viên Libération tại Sedanya, Syria, 09/12/2024) Tại nhà tù kinh khủng nhất của chế độ được giải phóng hôm Chủ nhật 08/12, nơi hàng mấy chục ngàn người Syria bị tra tấn và hành quyết, dấu ấn của những năm tàn bạo hiện rõ, trong lúc mấy trăm gia đình tìm kiếm xem chuyện gì đã xảy ra với người thân.

« Anh ấy tên là Sleiman Khamis, bị bắt cách đây 11 năm, tôi đến với con anh để cố tìm ». Philippe đứng cạnh cháu trai, ánh mắt xa xăm. Hôm trước, ông vừa ra khỏi một trại giam khác là Adra. Phía trước họ là hàng dài khoảng mấy trăm chiếc xe hơi chen chúc trên con đường đá lởm chởm của nhà tù Sednaya, cách thủ đô Syria 30 kilomet. Tất cả trong đầu đều ám ảnh về sự khủng khiếp phía sau cái tên này, và ngần ngại bước vào.

Sednaya là nhà ngục lớn nhất của chế độ, một trong những nơi tra tấn dã man nhất. Một cơ sở mà Amnesty international gọi là « lò sát sinh ». 

Được mở cửa hôm Chủ nhật, sau khi chế độ Bachar Al Assad sụp đổ, mấy chục ngàn tù nhân đã được thả ra. Nhưng ngày thứ Hai, thân nhân những người tù đã quay lại với hy vọng tìm thấy những tù nhân bị bỏ quên trong trại giam rộng lớn này, hay có được xác nhận rằng điều tồi tệ nhất đã xảy ra.

Philippe và cháu trai là người công giáo xuất thân từ Jdeidat Artouz ở miền nam. « Sleiman bị bắt bất ngờ, và bị kết tội khủng bố. Anh ấy chẳng làm gì nên tội cả. Từ trong thâm tâm, tôi biết rằng anh không bị giết. Nếu sát hại anh, những kẻ ở nhà tù trước hết đòi tôi tiền chuộc. Bọn họ thường làm như vậy để cướp đoạt tiền bạc của gia đình và rồi vẫn giết chết người tù ».

Hàng ngàn người đối lập với chế độ Bachar Al Assad đã bị giết trong nhà tù này, đa số bị treo cổ. « Tôi đã phải trả rất nhiều tiền để anh ấy được thả, trả cho nhiều cơ quan. Tôi đã bán một chiếc xe hơi, một căn nhà và vàng ». Philippe nói, nếu không tìm được hôm nay thì sẽ trở lại ngày mai, và ngày mốt...Cho đến khi nào biết được số phận của người anh mất tích.

Từ đầu cuộc nổi dậy năm 2011 đã biến thành nội chiến, trên 100.000 người đã thiệt mạng trong các nhà tù Syria, chủ yếu do bị tra tấn, theo ước tính năm 2022 của Tổ chức quan sát nhân quyền Syria (OSDH). Cũng vào lúc đó, OSDH cho biết có khoảng 30.000 người bị chế độ sát hại từ 2011 đến 2021, trong những bức tường của nhà tù, thương tích từ tra tấn, bị ngược đãi hay bị hành hình hàng loạt.

Địa ngục trần gian

Hôm thứ Hai này, trên con đường có những chiếc xe thể thao đa dụng của phe Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) đến từ tỉnh Idlib. Các xe của họ nhuộm bùn từ cửa cho đến nóc, một cách dùng để ngụy trang đối với các drone khi tiến về thủ đô hôm Chủ nhật. Từ xa, những cuộc oanh tạc của Israel vào các kho vũ khí vẫn ầm vang, làm rung chuyển phong cảnh đồi núi. 

Ở đầu con đường, một hàng người Syria đi bộ dấn lên, tiến lộn xộn về phía tòa nhà hiện lên mờ mờ từ xa. Một dạng ngôi sao ba cánh khổng lồ, có thể nhầm lẫn với một trung tâm hành chánh, nhưng mỗi người ở đây đều biết là một trong những địa ngục tệ hại nhất do chế độ Bachar Al Assad xây lên.

Khó thể biết được đã có bao nhiều người đối lập đã thiệt mạng trong các  ngục tù này từ khi chúng được dựng nên. Từ nhiều năm qua, những người sống sót đã kể lại những cảnh tra tấn, lăng nhục ; đàn ông, đàn bà và trẻ em bị nhốt trong những buồng giam tối tăm chật hẹp ; những xà-lim chen chúc những tù nhân bị đánh đập hàng ngày nếu không bị tra tấn đến chết ; những con người đói khát, bị buộc phải sống cúi đầu và không có quyền nói năng, cũng không được nhìn quản ngục.

Họ mang nét khắc khổ, vẻ mặt u uất, những người đi thăm nơi này bằng con đường đất dẫn đến trại giam trên cao. Vào lúc lên đến đỉnh, sự im lặng bỗng dưng nặng nề thêm, tiếng nói chuyện bỗng trở nên thì thầm. Lối vào nhà tù giao thoa với đường đi ra của những người Syria đang trở về, trông thất thần, vẻ mặt tái mét, đôi khi rưng rưng nước mắt. « Trời ơi, trời ơi », các phụ nữ vừa che lấy mũi vừa kêu lên.

Rồi bỗng vang lên một tiếng thét : « Họ được thả ra rồi ! ». Và những tiếng khác : « Ai ? Ai ?». Dòng người bắt đầu chạy nhanh. Nhìn thấy đám đông người tù từ xa, mỗi người đều nghĩ rằng người sống sót là người thân của mình.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment