Wednesday, December 11, 2024

Liệu sự hỗ trợ của Trump có giúp Bitcoin tiếp đà tăng mạnh?
Nguồn: Kim Chung, 比特币在特朗普助力下,还能“狂飙”多久?, QQ News, 05/12/2024.
Biên dịch: Lê Thị Thanh Loan
11/12/2024
NghiencuuQT

Kể từ khi Trump tái đắc cử, Bitcoin là loại tài sản tài chính có phản ứng dữ dội nhất trên thị trường, với mức tăng từ 68.000 USD lên 100.000 USD chỉ trong một tháng. Một số nhà phân tích Phố Wall thậm chí còn đồn đại rằng Bitcoin sẽ tăng lên mức 225.000 USD trong vòng 2 năm.

Đã nhiều lần biến động dữ dội nhưng vẫn chưa bị đào thải

Bitcoin, loại tiền ảo xuất hiện sớm nhất và nổi tiếng nhất, được tạo ra bởi một nhóm nhỏ những người đam mê công nghệ theo chủ nghĩa lý tưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và đợt bơm tiền lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Vào thời điểm đó, mục đích của họ là tạo ra một loại tiền tệ mới có thể thay thế đồng USD và không chịu sự kiểm soát của máy in tiền ở Ngân hàng Trung ương. Vì vậy, trong ý tưởng ban đầu của những người này, số lượng Bitcoin được phát hành chỉ bị giới hạn bởi toán học và năng lượng, nó phải có đủ mọi chức năng của một loại tiền tệ thông thường, chẳng hạn như đóng vai trò là một công cụ thanh toán.

Về sau, có một ví dụ được lan truyền rộng rãi rằng, một người đam mê Bitcoin đã từng thành công trong việc đặt mua bánh pizza bằng Bitcoin. Ngày nay nhìn lại, có vẻ như đây là phần bánh pizza đắt nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, về cơ bản, Bitcoin hiện đã mất đi thuộc tính tiền tệ ban đầu.

Trong vài năm qua, chúng ta còn chứng kiến những doanh nhân tuyên bố rằng họ có thể chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán, nhưng có lẽ trên thực tế không có nhiều người sử dụng Bitcoin để mua hàng hóa hoặc dịch vụ hằng ngày. Ngày nay, e rằng phần lớn những người thực sự muốn sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán đều là tội phạm tham gia vào các hoạt động phi pháp. Ví dụ, khi tống tiền các nạn nhân có hệ thống thông tin bị xâm nhập, các hacker thường yêu cầu bên kia trả Bitcoin làm tiền chuộc.

Khi đánh mất chức năng phổ biến nhất là làm phương tiện thanh toán, tiền điện tử còn một chức năng khác là cất giữ giá trị.

Vậy ai sẽ là người sử dụng những đoạn dữ liệu điện tử nhìn không thấy, sờ không được và không bị đánh thuế làm công cụ cất trữ giá trị?

Trước hết, không thể phủ nhận rằng phần lớn nguồn tiền của các quốc gia trên thế giới đến từ các hoạt động kinh tế có tồn tại nhưng không dễ thấy được.

Trong thời đại công nghệ tiên tiến ngày nay, các chính phủ trên thế giới ngày càng khắt khe hơn trong việc giám sát tài chính với chủ thể là các ngân hàng. Các ngành công nghiệp xám và đen khổng lồ cũng phải đối mặt với những hạn chế lớn hơn và chi phí cao hơn nếu muốn huy động dòng tiền khổng lồ qua hệ thống ngân hàng. Sự xuất hiện của các loại tiền ảo như Bitcoin vừa hay đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế ngầm: Món tiền khổng lồ có thể được chuyển ngay lập tức thông qua một đoạn dữ liệu điện tử mà hầu như không mất phí, thậm chí còn vượt qua các giới hạn địa lý, đồng thời có thể tránh được sự giám sát của chính phủ các quốc gia. Đây cũng là lý do chính khiến đồng tiền này không bị đào thải sau nhiều lần sụt giảm mạnh trong quá trình biến động dữ dội trước đây.

Một bộ phận khác sử dụng tiền ảo làm công cụ cất trữ giá trị, tức là coi Bitcoin như một khoản tiền nóng là tài sản đầu cơ hoàn chỉnh dùng để giao dịch. Đối với những khoản tiền nóng này, chỉ cần một mục tiêu nào đó xuất hiện cơ hội đầu cơ thổi phồng, thì dù mục tiêu đó là hoa tulip hay trà phổ nhĩ, là đất trên mặt trăng hay dữ liệu điện tử trong không gian ảo, cũng đều không quan trọng. Và với đủ mọi chủ đề không ngừng được thổi phồng và lượng người tham gia không ngớt, tiền ảo đã trở thành một trong những tài sản đầu cơ “hot” nhất hiện nay.

Ngay cả khi có sự ủng hộ của Trump, các quy định liên quan chắc chắn sẽ nghiêm ngặt hơn

Trong 4 năm qua, chính quyền Đảng Dân chủ Mỹ một mặt đã đồng ý cho phép các tổ chức tài chính Phố Wall giao dịch một cách công khai các hợp đồng tương lai và quyền chọn tiền ảo trên các sàn giao dịch tương lai chính thức, đồng thời đã phê duyệt một số quỹ đầu tư lấy tiền ảo làm tài sản cơ bản. Mặt khác, các cơ quan giám sát và quản lý tài chính cũng tiến hành những cuộc điều tra khá gay gắt đối với các sàn giao dịch tiền ảo chuyên biệt và các tổ chức tài chính hợp tác chặt chẽ với các nhà đầu tư tiền ảo, thậm chí còn khởi tố một số tổ chức và nhà đầu tư.

Ví dụ, ông chủ Binance đã bị buộc phải nộp một khoản tiền phạt lớn và bị kết án vài tháng tù giam; ứng cử viên Bộ trưởng Bộ Thương mại của Trump, Howard Lutnick, đã phải chịu sự điều tra theo quy định của Mỹ do công ty tài chính dưới trướng ông này chuyên cung cấp các dịch vụ lưu ký, đầu tư và rút tiền ảo.

Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, dưới sự kết nối của các ông trùm ở Thung lũng Silicon, Trump thường xuyên tiếp xúc với các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào tiền ảo. Để đổi lấy sự ủng hộ về tài chính và phiếu bầu của các nhà đầu tư này, Trump hứa sẽ dỡ bỏ các hạn chế pháp lý đối với tiền ảo sau khi được bầu làm tổng thống, và thậm chí sẽ dành sự hỗ trợ chính thức cho sự phát triển của ngành tiền ảo.

Vì vậy, khi kết quả bầu cử vừa nhen nhóm dấu hiệu chiến thắng của Trump, nhiệt huyết đầu cơ liền bùng lên và giá Bitcoin nhanh chóng tăng vọt. Sau khi giá tăng, những tin đồn trên thị trường tài chính dần trở nên phi lý. Một trong những tin đồn được lan truyền rộng rãi là về việc Trump sẽ yêu cầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mua 1000 tỷ USD Bitcoin làm dự trữ của Ngân hàng Trung ương. Thật trùng hợp, khi tin đồn này bắt đầu được lan truyền một cách rầm rộ, thì cũng là lúc Bitcoin tăng vọt lên 100.000 USD rồi quay đầu.

Theo truyền thống chính trị Mỹ, sau khi nhậm chức, Trump quả thực sẽ dành những ưu đãi nhất định cho các nhà đầu tư tiền ảo đã đầu tư vào ông. Ví dụ, Lutnick đã được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, những cuộc điều tra mà các cơ quan quản lý Mỹ đang tiến hành đối với các công ty tiền ảo cũng có thể bị tạm đình chỉ.

Tuy nhiên, cái gọi là lợi tức về chính sách mà các nhà đầu tư tiền ảo như Bitcoin mong đợi có lẽ sẽ không lớn như cách mà giá thị trường hiện tại phản ánh.

Một trong những lý do chính là, thực tế rằng nền kinh tế ngầm khổng lồ vốn là động lực chính của tiền ảo, sẽ khiến sự giám sát của chính phủ và các cuộc điều tra tư pháp không thể thực sự bỏ qua ngành công nghiệp tiền ảo. Chừng nào nguồn thu màu xám và đen còn là một phần quan trọng trong nhu cầu về tiền ảo, thì xuất phát từ nhu cầu chống tội phạm, tiền ảo với tư cách là mắt xích quan trọng trong chuỗi vốn của các ngành công nghiệp xám và đen, đương nhiên sẽ là mục tiêu chính trong sự giám sát và kiểm soát chặt chẽ của chính phủ.

Mặc dù việc tạo và nắm giữ tiền ảo mang tính phân tán và từ dưới lên, nhưng các sàn giao dịch tiền ảo lại được tập trung hóa. Thêm vào đó, tiền ảo ghi lại mọi thông tin về lịch sử giao dịch, chỉ cần nắm được quyền kiểm soát dữ liệu trên các sàn giao dịch tiền ảo lớn thì sẽ có thể theo dõi những người giao dịch sử dụng tiền ảo.

Trong vài năm qua, chính phủ Mỹ đã đặt nhiều sàn giao dịch tiền ảo lớn trên thế giới dưới sự giám sát và dưới áp lực của Mỹ, một vài sàn giao dịch lớn cũng đã áp đặt hạn chế đối với một số người nắm giữ tiền ảo. Ví dụ, sau cuộc chiến Nga-Ukraine, tài khoản của những người nắm giữ tiền ảo đến từ Nga đã bị các sàn giao dịch ngăn chặn.

Có thể tin rằng trong tương lai, sự giám sát của chính phủ đối với các giao dịch tiền ảo sẽ ngày càng nghiêm ngặt và về lâu dài sẽ phát triển đến mức tương tự như sự giám sát rườm rà đối với ngân hàng.

Một “câu chuyện” khác củng cố cho sự thổi phồng Bitcoin là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mua Bitcoin làm tài sản dự trữ.

Tất nhiên, bản thân Trump hay một vài cố vấn bên cạnh ông có thể thúc đẩy việc đưa ra các chính sách tương tự dựa trên lợi ích cá nhân hoặc sở thích nhận thức. Tuy nhiên, e rằng một nhóm lớn các nhà quản lý thuộc phe truyền thống trong hệ thống tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ dè bỉu điều này.

Đối với những người thực sự kiểm soát hệ thống tài chính này, Mỹ đã đạt được quyền bá chủ của đồng USD và được “tự do” vận hành máy in tiền. Vậy thì có nhất thiết phải quay trở lại với cái gọi là “chế độ bản vị Bitcoin” tương tự như chế độ bản vị vàng trước đây rồi khiến bản thân bị hạn chế trong việc vận hành máy in tiền?

Lùi lại một bước, giả sử Trump thực sự có ý định dùng Bitcoin làm tài sản dự trữ, xét từ góc độ chính sách thuần túy, việc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đương nhiệm Jerome Powell bị Trump trực tiếp bãi nhiệm trước khi hết nhiệm kỳ vào năm 2026 là điều rất khó xảy ra. Nếu muốn thay thế bằng một chủ tịch mới ngoan ngoãn phục tùng, Trump sẽ phải đợi đến năm 2026 thì mới có thể thay người thành công và cái gọi là chính sách Bitcoin chỉ có thể được thúc đẩy sau đó.

Vì vậy, điều này hiện chỉ là một câu chuyện xa vời. Có lẽ cũng chính bởi vậy, xét trên phương diện lăng xê tiền ảo trong tương lai, tin đồn rằng “Bitcoin dự trữ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ” chắc chắn sẽ được người ta sử dụng nhiều lần để làm chủ đề thổi phồng.

Trung Quốc có thể “gạn đục khơi trong”

Đối với Trung Quốc, do mức tiêu thụ năng lượng khổng lồ tới từ việc khai thác Bitcoin và mối liên hệ chặt chẽ giữa các ngành công nghiệp xám với tiền ảo, việc mua bán tiền ảo không chính thức đã bị tuyên bố là hành vi phi pháp.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào điều này thì sẽ không thể ngăn chặn việc những khoản tiền nóng theo đuổi lợi nhuận đầu cơ hay các quỹ phi pháp sử dụng tiền ảo để trốn tránh sự giám sát tiếp tục giao dịch và nắm giữ tiền ảo thông qua nhiều kênh khác nhau. Ví dụ, cựu Giám đốc Cục Giám sát Khoa học và Công nghệ của Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc Diêu Tiền đã bị khai trừ khỏi đảng và chức vụ do vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng, mà một trong những tình tiết phạm tội là sử dụng tiền ảo cho các giao dịch quyền-tiền. Trước khi tiền ảo ra đời, hành vi rửa tiền đã được tiến hành trong các ngành kinh tế ngầm và các giao dịch quyền-tiền cũng đã tồn tại. Tất nhiên, tiền ảo chỉ bổ sung thêm một lựa chọn trung gian mang tính kín đáo và thuận tiện cho những hành vi tham nhũng này mà thôi.

Tiền ảo không chính thức không mang lại tác động tích cực cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng công nghệ blockchain và đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số được tạo ra dựa trên công nghệ này có thể cung cấp một vài tác động có lợi cho sự phát triển của nền kinh tế thực.

Ví dụ, một số công ty xuất khẩu trong nước thường gặp khó khăn trong việc nhờ thu qua ngân hàng khi xuất khẩu sang một số quốc gia và khu vực. Ngay cả khi đối tác thương mại sẵn sàng thanh toán bằng Nhân dân tệ, vẫn sẽ có những lúc khó khăn do ngân hàng không thể cung cấp dịch vụ. Lúc này, nếu việc sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số có thể tách khỏi hệ thống ngân hàng giống như tiền ảo, điều này sẽ cho phép các công ty xuất khẩu nhận khoản thanh toán trực tiếp từ các công ty nhập khẩu nước ngoài và qua đó thúc đẩy thương mại. Công nghệ tiền ảo kiểu này sẽ cung cấp các dịch vụ hiệu quả cho nền kinh tế thực của Trung Quốc.

Cần phải tìm hiểu và thử nghiệm nhiều hơn để xác định liệu kịch bản sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số như vậy có thể thực hiện được hay không.

No comments:

Post a Comment