Một điềuDạ Thảo Phương
11-12-2024
Tiengdan
Kính thưa các Hội viên, đối tác, độc giả của Hội Nhà văn Việt Nam!
Kính thưa các nhà báo, cộng tác viên, nhân viên, bạn đọc của Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống.
Nếu vì bất cứ lý do nào đó, các vị chọn im lặng, chọn coi như không biết gì, hoặc hơn thế nữa, chọn đứng về phía bao che dung túng o bế cho Lương Ngọc An, v.v… thì đó là quyền của quý vị, phản ánh quan niệm sống của quý vị.
Mỗi chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn, chịu trách nhiệm và sống với những lựa chọn của mình.
Chúng ta đi ngủ cùng những gì chúng ta từng lựa chọn. Mỗi ngày, chúng ta thức dậy, nhìn vào gương, nhìn vào mắt người mình yêu, vào mắt những đứa trẻ con của mình… Rồi đến lúc chúng ta từ giã cõi đời… Lúc nào những lựa chọn cũng bám chặt vào thân thể chúng ta.
Vì, mỗi điều chúng ta lựa chọn sẽ trở thành một phần của con người chúng ta, tồn tại mãi mãi, dù chúng ta quên hay nhớ chúng, thậm chí ngay cả khi chúng ta chết đi rồi.
Tôi cũng vậy, quý vị cũng vậy.
Tôi chỉ đề nghị quý vị một điều này thôi – hãy đọc lại cùng tôi trang nhật ký cũ này. (Thông tin về cuốn nhật ký xin đọc bài bên dưới).
“Hắn” trong trang nhật ký ấy – Lương Ngọc An – đang là Uỷ viên Ban Chấp hành cái hội mà quý vị là một thành viên. Hắn đang là Phó Tổng biên tập của tạp chí mà các quý vị là nhân viên, là người viết, là cộng tác viên, hoặc người đọc. Và quý vị góp một phần vào thực tế đó.
Bàn tay hắn từng đánh đập tôi đến sưng tấy, bầm dập, chẹn vào cổ họng tôi đến mức làm tôi gần như tắc thở, bàn tay ấy sẽ làm những sự vụ của một “ông uỷ viên”, một “ông phó tổng” của tổ chức văn chương.
Cơ thể phải đến gần tạ thịt đực của hắn- từng đè lên mọi chống cự tuyệt vọng của tôi, làm ô uế cơ thể tôi mà tôi chẳng thể làm gì ngoài căm hờn, uất ức, ghê tởm – cơ thể ấy sẽ được trang trí bằng mớ quần áo sang sạch, giúp hắn trông càng cùng loại với quý vị hơn, rồi hắn tiến đến, ngồi cùng phòng, hoặc ngồi gần, hoặc thậm chí ngồi cạnh cùng quý vị, trà trộn thành một người trong số các quý vị.
“Tôi” ở đây, nói chính xác hơn, là tôi của hai mươi lăm năm trước, cô gái trẻ trung, mơ mộng, bất cẩn và ngu xuẩn trước những cạm bẫy và dối trá của cả một liên minh. Một tiếng nói lẻ loi của một cá nhân sẽ luôn là một tiếng nói tuyệt vọng khi không đi cùng với lợi ích của một đám người, nhất là khi đám người ấy lại đầy mưu mô và quyền lực. Các vị có thể chê trách chửi bới cô gái ấy, như tôi bây giờ, vì cũng như tôi bây giờ, các vị đâu có ở trong hoàn cảnh của cô ấy. Chúng ta thật thông minh, giỏi giang, may mắn. Mừng cho chúng ta.
Cô gái ấy là tôi đây ư?… Không. Cô gái ấy làm sao mà còn sống nổi đến bây giờ!
Nhưng cô ấy khắc khoải nhờ tôi, bắt tôi cố gắng thở đến ngày hôm nay để giúp cô ấy chuyển lời nhờ các quý vị một điều, một điều này thôi:
Mỗi lần nhìn thấy hắn ngồi trên hội trường hay trong phòng họp, mỗi khi nhìn thấy hắn lên Tivi- mặt báo để phát biểu về văn chương, về nhà văn và cuộc sống, về Sự Thật, Con Người, Công Bằng, mỗi lần định gửi sáng tác để đăng hay cầm trên tay để đọc một ấn phẩm của tổ chức mà hắn là lãnh đạo, mỗi lần nhìn thấy tên hay bản mặt hắn, thấy hắn nheo mắt cười trước một thân hình phụ nữ, xin chỉ làm một điều thôi:
HÃY NHỚ ĐẾN TRANG NHẬT KÝ NÀY.
Xin đừng nói một lời thương xót nào cho cô ấy. Cô ấy chết rồi, và tôi, thì cũng sẽ nhất quyết không nhận hộ những lời thương xót.
Họ thường bảo tôi đừng nhìn về quá khứ nữa. Vâng, đừng nhìn về quá khứ nữa, hãy nhìn vào hiện tại, vào tương lai: Xung quanh chúng ta có bao nhiêu cô gái đã, đang và sẽ có thể bị rơi vào hoàn cảnh như cô gái ấy?
Đừng hỏi tại sao tôi phải làm tất cả những việc này, như thể tôi có quyền lựa chọn.
Những giây phút như bây giờ, ngồi một mình trong đêm, vâng, lại một đêm nữa, buộc phải làm việc lại với hồ sơ cũ của mình, nhưng cả đêm cũng không đọc hết được trang nhật ký nhỏ này, tôi cảm thấy mọi từ ngữ và sức lực của mình đều tan loãng như khói.
Vâng.
Một điều vậy thôi.
Còn thì tuỳ quý vị.
Trân trọng,
P.S: Ngày nào tôi cũng nhớ đã hứa sẽ kể tiếp câu chuyện những năm tháng ấy của mình, nhưng ngày nào việc một cú bấm chuột để mở những file ấy ra cũng quá khó khăn, xin cho tôi một chút thời gian nữa.
***
Dạ Thảo Phương: Cuốn nhật ký – Một chứng cứ tội ác
27-4-2022
Cuốn nhật ký thất lạc này cất giữ nỗi đau sâu thẳm của cuộc đời tôi. Nó đã theo tôi những tháng ngày đầu hoang mang đi tìm công lý, rồi nằm lại cùng tập hồ sơ về toàn bộ vụ việc trong kho lưu trữ của Văn phòng luật Tran H.N & Associates của luật sư Trần Hữu Nam, số 1 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội.
Bao năm trôi qua, tôi đã không dám nghĩ sẽ còn tìm thấy nó.
Vậy mà ngày 23.4.2022 mới đây, luật sư Trần Hữu Nam đã tìm thấy cuốn nhật ký và giao tận tay chị gái tôi- nhà thơ Hàm Anh.
NHỮNG THÁNG NGÀY ĐEN TỐI
Đó là những ngày tháng đen tối sau khi tôi buộc phải dứt quyền làm mẹ với đứa con đầu đời, đứa con là kết quả của lần đầu tiên tôi bị Lương Ngọc An c.ưỡng h.iếp. Tôi sống trong cô đơn, đau đớn đến tê dại, và vẫn bị hắn tiếp tục thao túng, đánh đập, làm nhục. Tai nạn kinh hoàng, tôi hoang mang không dám kể với ai, chỉ còn biết tâm sự với đứa con không được ra đời của mình trong cuốn nhật ký nhỏ. Cuốn nhật ký nói lên toàn bộ sự việc từ lần bị c.ưỡng h.iếp đầu tiên cho đến những tháng ngày khổ đau tiếp đó.
Sau những nỗ lực đòi một sự giải quyết công khai, công tâm của lãnh đạo cơ quan nhưng chỉ nhận lại trù dập, vu khống, bất công, bản thân bế tắc nhiều lần tìm đến cái chết cũng không thành, tôi quyết định mang cuốn nhật ký cùng nhiều bằng chứng khác tìm đến luật sư Trần Hữu Nam. Anh là một luật sư có uy tín và rất nổi tiếng khi đó.
Luật sư Trần Hữu Nam nói, anh nhận lời đứng bên tôi vì trách nhiệm cộng đồng và lý do nhân đạo. Nhưng anh khuyên tôi suy nghĩ thật kỹ. Vì khi khởi kiện, tôi sẽ phải chịu những áp lực khổng lồ, từ việc phải sống lại những ký ức kinh hoàng đến các thủ đoạn tấn công ngược nạn nhân của những kẻ có thế lực… Hệ quả của nó có thể đeo bám tôi suốt quãng đời còn lại. (Khi đó, internet còn chưa phổ biến, nhận thức của xã hội về vấn nạn xâm hại tình dục rất ít ỏi và bảo thủ). Sức khoẻ thể chất và tinh thần của tôi đều đau yếu, liệu tôi có thể trụ nổi trước những áp lực nặng nề và dai dẳng của hành trình ấy không?
Lúc đó, quá kiệt quệ, bất lực và cô độc, nhận thức cũng chưa như tôi có bây giờ, tôi đã chọn việc dừng khiếu kiện.
Tôi chuyển cơ quan, cắt đứt với môi trường cũ.
Luôn bị dằn vặt và ám ảnh, tôi đã nhiều lần quay lại văn phòng luật sư để xin lại hồ sơ và cuốn nhật ký, nhưng lại không dám bước vào. Tôi sợ hãi không đủ sức lần nữa chạm vào quá khứ đau đớn.
Lòng tôi chưa bao giờ nguôi ngoai.
SỰ KỲ DIỆU CỦA LÒNG TỬ TẾ
Khi quyết định đem vụ việc trở lại với ánh sáng lần này, người đầu tiên tôi muốn liên lạc là luật sư Trần Hữu Nam. Tôi nhiều lần gọi điện cho anh nhưng không được. Có lúc tôi đã nghĩ, dù sao cũng quá viển vông khi hy vọng anh còn giữ bộ hồ sơ cùng cuốn nhật ký của tôi suốt mấy chục năm qua. Tôi gọi, chỉ để tự an ủi rằng mình đã làm mọi cách.
Mãi gần đây, tôi mới tâm sự với chị gái mình về cuốn nhật ký. Và kỳ diệu thay, chị đã ngay lập tức tìm được luật sư Trần Hữu Nam. Kỳ diệu hơn nữa, anh đã giữ tất cả hồ sơ cùng kỷ vật của tôi trong một điều kiện rất tốt. Tôi hiểu rằng, anh đã hành xử không phải chỉ như một luật sư chuyên nghiệp. Hơn thế rất nhiều, đó là hành xử của một con người có trái tim ấm áp, trân trọng từng thân phận nhỏ bé xô dạt qua cuộc đời làm nghề bảo vệ lẽ phải của anh.
Cuốn nhật ký hiện còn ở Việt Nam, tôi mới chỉ đọc lại qua hình chụp chị gái gửi cho. Từng con chữ xiêu vẹo méo mó vì kiệt sức và khổ đau như đưa tôi giẫm lên con đường rướm máu oan khuất của ký ức, con đường hơn hai mươi năm qua tôi luôn cố quên đi dưới những bình yên của hiện tại. Nhưng nó vẫn luôn ở đó, như một vết rạch cần được khâu vá.
Với những trang sự thật đau thương này, tôi không còn muốn nói thêm lời nào nữa. Hãy để nỗi đau ấy một lần cất lên tiếng nói về một tội ác đã được bao che, vùi lấp, tráo đổi tên gọi suốt hơn 20 năm nay.
Một lần cất tiếng, để siêu thoát…
_____
* Thư ngỏ tố cáo hành vi cưỡng hiếp và vu khống của Lương Ngọc An.
– Vietnamnet: Trả lời phỏng vấn về việc Lương Ngọc An phản tố ra công an.
– Infornet: Trả lời phỏng vấn về thái độ của Hội Nhà văn Việt Nam.
No comments:
Post a Comment