Nhiều người hoài nghi việc Hà Nội kiểm tra nội bộ, không phát hiện tham nhũng
VOA Tiếng Việt
11/12/2024
VOA
Tượng hoa hồng khổng lồ ở Hà Nội, 25/6/2024. (Photo: Nhac Nguyen/AFP)
Ủy ban Nhân dân Hà Nội mới đây báo cáo với Hội đồng Nhân dân của thành phố rằng họ tiến hành công tác kiểm tra nội bộ và chưa phát hiện sai phạm về tham nhũng. Nhiều người dân tỏ ý hoài nghi về kết quả đó.
Tin tức trên các trang web của đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Giao Thông, Tài Nguyên và Môi Trường… từ 9-10/12 cho biết ủy ban nhân dân (UBND) của thủ đô Việt Nam gửi báo cáo hôm 2/12 tới hội đồng nhân dân (HĐND).
Một phần báo cáo cho thấy trong năm 2024, UBND đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra nội bộ, phát huy quy chế dân chủ và công khai các hoạt động trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để phòng ngừa tham nhũng.
“Qua công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị, chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào tại đơn vị có liên quan đến tham nhũng”, báo cáo cho biết, được đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, báo Giao Thông, Tài Nguyên và Môi Trường… dẫn lại.
“Tin này về lý thuyết thì rất là mừng. Nhưng mà thực sự nó có tin đáng tin cậy hay không thì chuyện này rất khó nói. Tôi tin rằng rất nhiều người không tin cái tin này”, một người dân Hà Nội nói với VOA và đề nghị không nêu danh tính do tính nhạy cảm của vấn đề.
Giống như nhận định của người dân này, trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA, nhiều người khác tỏ ý không tin tưởng vào bản báo cáo nói trên, bao gồm các ý kiến của những Facebooker đông người theo dõi như Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Thùy Dương… hay qua các cuộc thảo luận trong trang Chân Trời Mới Media.
Họ viết rằng đó là kết quả của việc “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay các cán bộ “bảo vệ lẫn nhau” và “có ai lại đi vạch áo cho người xem lưng”…
Một số người đặt câu hỏi rằng cán bộ, viên chức làm thế nào lại có nhiều nhà lầu, xe hơi khi mà các bậc lương cao nhất bao gồm cả trợ cấp của họ chỉ trong khoảng từ trên 20 triệu đồng đến khoảng 40 triệu đồng/tháng, theo các thông tin được chính nhà nước công bố.
“Ví dụ, những người lãnh đạo cao nhất lương cũng không quá 40 triệu đồng/tháng được, một năm chỉ rơi vào 500 triệu, đấy là rất đàng hoàng. Thế thì làm sao mua được biệt thự này, biệt thự nọ mà bây giờ người ta đang ở. Đấy là cái thực tế không thể phủ nhận được. Nhưng mà bây giờ những cái việc bất thường nó thành quá bình thường rồi”, vẫn người dân muốn ẩn danh nói với VOA.
“Mức lương của quan chức cao nhất của Hà Nội đi chăng nữa cũng không thể đủ với mức chi phí và tài sản của các vị, con cái du học nước ngoài, nhà cửa xe cộ như thế, đấy là bài toán vô lý”, luật sư Hà Huy Sơn đưa ra quan sát với VOA.
Không có tham nhũng trong bộ máy chính quyền thủ đô “là chuyện lạ”, vẫn lời ông Sơn và việc thành phố tự đánh giá bị luật sư này xem là “chẳng có căn cứ khách quan nào”.
Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng việc Hà Nội báo cáo không phát hiện tham nhũng bị xem là “nói dối không ngượng mồm” và điều này có nguyên nhân từ thể chế.
Luật sư Sơn chia sẻ góc nhìn của ông: “Vì Việt Nam không có đối lập, mức độ phản biện thấp nên để mà đánh giá các kết luận của chính quyền thì chẳng có cơ quan nào để đánh giá. Người dân nghe nói cũng đành phải chấp nhận, đành phải chịu thôi”.
Người dân Hà Nội giấu tên nói về vấn đề này: “Người dân hầu như là không thể phản biện được. Mọi người mất niềm tin. Đấy là một sự thật”.
Trả lời câu hỏi liệu công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng có mang lại kết quả tích cực không, tham nhũng có giảm không, người dân nêu trên nhận xét: “Nó không giảm đi, không tăng lên nhưng tinh vi hơn”, và sử dụng lối nói ẩn dụ để chỉ ra mối liên hệ giữa thể chế và tham nhũng: “ Với cái nền móng như thế này, anh có thay đổi nội thất hay ngoại thất thế nào, căn nhà vẫn thế thôi vì cái móng có vấn đề”.
Về phần mình, luật sư Sơn có cảm nhận “tham nhũng vẫn khá phổ biến” và nói thêm: “Có những vị quan chức nói đại ý những tham nhũng phố biến là tham nhũng vặt. Người ta thừa nhận một cách gián tiếp rằng tệ nạn tham nhũng tồn tại một cách hiển nhiên”.
VOA liên lạc với UBND Hà Nội để tìm hiểu quan điểm của họ về những phản ứng từ công chúng, nhưng không kết nối được.
Trong khi chính quyền thành phố không phát hiện tham nhũng qua việc kiểm tra nội bộ, các báo đài trích dẫn báo cáo cho hay công an Hà Nội trong năm nay đã thụ lý hơn 170 vụ án và gần 500 bị can là những người bị phát hiện, xử lý vì có liên quan đến tham nhũng.
Hoạt động điều tra xác định được rằng số tài sản thiệt hại hoặc bị chiếm đoạt là hơn 95 tỷ đồng và hơn 2.300m2 đất, nhưng mặt khác, tài sản đã được thu hồi, bồi thường là hơn 70 tỷ đồng, theo báo Giao Thông, Tài Nguyên và Môi Trường.
Hồi đầu năm nay, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) về năm 2023 trên thế giới. Trong đó, Việt Nam đạt 41/100 điểm và xếp hạng 83/180 toàn cầu, đồng nghĩa bị giảm điểm, tụt hạng so với một năm trước.
Chỉ số CPI của Việt Nam năm 2022 là 42/100 điểm và đứng thứ 77/180 nước được xếp hạng, nằm trong số các nước vẫn có nhiều tham nhũng.
No comments:
Post a Comment