Về chuyện “cắt cúp có ý đồ rồi post lên mạng xã hội”Hoàng Tuấn Công
12-12-2024
Tiengdan
Trong một tút ngắn sáng qua, Nhà thơ Hữu Việt viết:
“HÔM NAY MỚI CÓ THỜI GIAN
Xin đưa full phần giao lưu chém gió trong trường quay và phần cắt cúp có ý đồ rồi post lên mạng xã hội.
Khi trò chuyện trong cùng một ngữ cảnh, người nói chuyện mặc định đã hiểu nhau, nên cần nói sao thật ngắn gọn, để tạo không khí vui nhộn cho một gameshow, nó khác với phát biểu trên diễn đàn học thuật, bẻ nhau chữ nghĩa, trích cú tầm chương
Xin cảm ơn”.
Tôi phải thừa nhận ngay là đã chủ ý không “đưa full phần giao lưu chém gió trong trường quay” của Nhà thơ Hữu Việt, mà “cắt cúp có ý đồ” – một ý đồ nhắm tới hai đích:
1- Che đi cái lỗi không phân biệt được thành ngữ với tục ngữ của ông cố vấn.
Cụ thể, phần đầu của đoạn “full”, Nhà thơ Hữu Việt nói: “Ở đây có câu thành ngữ Liệu cơm gắp mắm…”, đoạn sau ông nhắc lại lần nữa. Như vậy, không có chuyện lỡ miệng, nói nhầm. Trong khi “Liệu cơm gắp mắm” là tục ngữ bởi câu này đúc kết tri thức, kinh nghiệm của dân gian, thành ngữ không có chức năng này.
Ngồi ở vị trí phân tích thành ngữ tục ngữ mà lại không phân biệt được đâu là thành ngữ, đâu là tục ngữ! Rõ ràng đây là cái lỗi không nhỏ.
2- Giấu đi đoạn ông cố vấn dành quá nhiều thời gian đùa cợt với Xuân Bắc, trong khi nội dung cần ưu tiên giải thích cho rõ ràng lại không chú ý. Cụ thể, đoạn “full” có 72 giây, thì chỉ có 15 giây dành cho nội dung chính, 58 giây còn lại mất đứt cho chuyện râu ria, tán gẫu, pha trò. Điều này cho thấy, “nói sao cho thật ngắn gọn” không phải là lí do khách quan đem đến sự sai sót khi giảng câu “Liệu cơm gắp mắm”.
Vậy lí do tôi “che giấu” bớt những cái lỗi trên đây là gì? Nói ra có thể Nhà thơ Hữu Việt, Danh hài Xuân Bắc và một số độc giả không thể tin được.
Nhân đây cũng cần nói thêm đôi điều.
– “Khi trò chuyện trong cùng một ngữ cảnh, người nói chuyện mặc định đã hiểu nhau”, tôi thấy phát biểu này của Hữu Việt rất…lạ. Nói chuyện, ngoài chia sẻ và kết nối, thì điều quan trọng là để hiểu nhau, chứ không nên/không được “mặc định đã hiểu nhau”, hiểu bằng cách nào nếu không nói, dùng tha tâm thông chăng?! Nói chuyện với tâm thế như thế, coi chừng “không phải đầu cũng phải tai”! Thêm nữa, việc các vị “nói chuyện với nhau” cũng không đáng bàn, không đáng quan tâm, vấn đề ở đây là các vị đang “thiết kế” nên một cuộc nói chuyện để sau đó phát cho công chúng cả nước xem; như thế, phải hiểu rằng các vị nói là để cho công chúng hiểu, chứ không được chỉ dừng lại ở chỗ cho nhau hiểu. Phát biểu như nhà thơ, thì chương trình VTV trên Đài Truyền hình quốc gia hóa ra đã thành nơi để các vị tán dóc với nhau sao?
– Trước đây tôi đã ít nhiều cảm nhận được sự thiếu nghiêm túc trong chuyên môn của Vua Tiếng Việt, nhưng hôm nay thấy Nhà thơ Hữu Việt chính thức xác nhận, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên. Hoá ra vai trò cố vấn của Vua Tiếng Việt chỉ được xem là chuyện “giao lưu chém gió” giữa những người quen biết, và “mặc định đã hiểu nhau” tựa Bá Nha-Tử Kì rồi nên “chém” kiểu gì cũng hiểu, cũng xong, không cần biết đến khán giả ra sao.
– Chúng tôi hiểu rằng, với một trò chơi trên truyền hình thì việc tạo ra không khí vui vẻ, thoải mái là điều cần thiết. Tuy nhiên, Vua Tiếng Việt cũng là trò chơi, nhưng là trò chơi đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, nó ra đời với mục đích “chơi mà học”, thông qua cách chơi để tìm hiểu về kiến thức ngôn ngữ, “khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt qua các từ vựng, ngữ pháp, ca dao,… trong đời sống, đồng thời hướng đến gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt” như chính Vua Tiếng Việt giới thiệu. Bởi thế, muốn đùa vui gì thì nội dung cốt lõi của chương trình cũng phải đảm bảo tính chính xác, khoa học; chuyện cười đùa, trêu chọc chỉ nên xem là thứ gia vị cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Một khi gia vị lại nhiều hơn nguyên liệu chế biến, thì món ăn ấy không khỏi trở nên vô duyên, thậm chí không thể nuốt nổi!
Cuối cùng, Nhà thơ Hữu Việt cho rằng, những lời giảng của ông “khác với phát biểu trên diễn đàn học thuật”, còn tôi lại nghĩ nó không khác là bao. Thậm chí, gạt đi những tình huống vui đùa thì mỗi lời giải thích, luận bàn, kết luận như đinh đóng cột của các vị trước đám đông, sau đó phát lên sóng truyền hình quốc gia, lan toả đến hàng triệu khán giả còn hệ trọng hơn cả việc “phát biểu trên diễn đàn học thuật” gấp ngàn lần. Lại nữa, không có lẽ phân tích từ ngữ, thành ngữ tục ngữ,… làm sáng rõ nghĩa đen, nghĩa bóng, cách dùng, hay “khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt qua các từ vựng, ngữ pháp, ca dao,… trong đời sống, đồng thời hướng đến gìn giữ sự trong sáng vốn có của tiếng Việt”,… chưa đủ để gọi là “học thuật” sao?
_____
Ghi chú: Thể theo yêu cầu, sau đây chúng tôi xin “đưa full phần giao lưu chém gió trong trường quay” của Nhà thơ Hữu Việt (72 giây), đồng thời kèm “phần cắt cúp có ý đồ” (15 giây) đã đăng trước đó, để xem “ý đồ” của chúng tôi thế nào mà lại khiến ông cố vấn bất bình đến thế.
No comments:
Post a Comment