Friday, November 15, 2024

Tô Lâm thăm đảo Bạch Long Vĩ, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông

Tổng bí thư Tô Lâm kêu gọi chính quyền huyện đảo Bạch Long Vĩ xây dựng đảo thành pháo đài bảo vệ vùng biển, vùng trời Tổ quốc

2024.11.15
RFA


Tổng bí thư Tô Lâm đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm liệt sĩ đảo Bạch Long Vĩ hôm 14/11/2024
VOV

Đọc bản tiếng Anh

Tổng bí thư Tô Lâm vừa có chuyến thăm tới một hòn đảo ở phía bắc Biển Đông được truyền thông loan tin rộng khắp và được chuyên gia nhận định là quan trọng.

Ông Tô Lâm là Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm đảo Bạch Long Vĩ trong vùng Vịnh Bắc Bộ kể từ năm 2000 sau khi Hà Nội và Bắc Kinh ký thoả thuận phân định ranh giới khu vực này sau chín năm đàm phán.

Hồi tháng ba vừa qua, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố đường cơ sở mới vạch ra vùng chủ quyền ở phía bắc Vịnh Bắc Bộ mà Trung Quốc gọi là Beibu khiến Việt Nam lo ngại. Một số phân tích gia cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng nó như một cái cớ để đẩy Hà Nội vào việc tái đàm phán thoả thuận phân định ranh giới.

Trong chuyến thăm hôm 14/11 tới Bạch Long Vĩ, ông Tô Lâm đã kêu gọi giới chức huyện đảo này “biến nơi đây trở thành pháo đài bảo vệ vùng biển, vùng trời ta trên vịnh Bắc Bộ”, truyền thông Nhà nước đưa tin.

“Đảo Bạch Long Vĩ có vai trò là cửa ngõ, án ngữ kiểm soát tuyến hàng hải quốc tế quan trọng, có vai trò là trung tâm hậu cần và trung chuyển cho các hoạt động quân sự trên biển, một tiền đồn kiểm soát an ninh trật tự trên biển” - Thông tấn xã Việt Nam loan tin.

“Chuyến thăm của Tổng bí thư Tô Lâm tới Bạch Long Vĩ được coi là một chuyến đi để tìm hiểu về điều kiện sống và làm việc của người dân địa phương” - Carl Thayer - Giáo sư thuộc Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra nói.

“Tuy nhiên, ẩn ý của chuyến đi này là nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng đảo đối với an ninh quốc gia và quốc phòng trong chủ quyền của Việt Nam với các đảo và biển”.
Bạch Long Vĩ trở thành đảo theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982. Hình: Chính phủ
“Hoạt động bình thường”

“Truyền thông đưa tin nhấn mạnh rằng Bạch Long Vĩ nằm cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 15 hải lý” - Giáo sư Carl Thayer lưu ý. Khoảng cách này có nghĩa là đảo nằm hoàn toàn trong vùng biển của Việt Nam.

Bạch Long Vĩ là đảo xa nhất của Việt Nam tính từ đất liền và là đảo có người sinh sống lớn nhất ở Biển Đông, với diện tích khoảng hơn 3 km vuông. Đảo cách Hải Phòng 110 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 120 km.
Hình bản đồ. RFA/Datawrapper

Bạch Long Vĩ được bàn giao cho nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào tháng 3/1975 nhưng một số nguồn của Trung Quốc đã chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Chu Ân Lai lúc đó là đã nhượng đảo cho Việt Nam.

Vào tháng 12/1992, đảo trở thành huyện đảo thuộc chính quyền TP Hải Phòng.

“Hiệp định phân định trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc đối với Vịnh Bắc Bộ được ký kết vào năm 2000 nhìn nhận Bạch Long Vĩ là đảo của Việt Nam”, ông Vũ Thanh Ca - nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo Việt Nam nói, “Hoàn toàn không có tranh chấp nào đối với chủ quyền của hòn đảo này”.

“Với tầm quan trọng của Bạch Long Vĩ là một trong những đảo tiền tiêu của Việt Nam, chuyến thăm của Tổng bí thư Tô Lâm là một hoạt động bình thường” - ông nói thêm.

Trước ông Tô Lâm, hai Chủ tịch Việt Nam là Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang cũng đã thăm đảo vào các năm 2010 và 2014, và đã có những tuyên bố mạnh mẽ về việc “bảo vệ mỗi tấc đất của biển và đảo quê hương”.

Năm 2014 chứng kiến căng thẳng gia tăng giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu đến gần quần đảo Hoàng Sa mà cả hai nước đều đòi chủ quyền. Bắc Kinh hiện vẫn chưa đưa ra phản ứng gì về chuyến thăm mới đây của ông Tô Lâm.

“Chính phủ Trung Quốc không có và không thể tranh chấp chủ quyền với Việt Nam về đảo này” - Huy Duong, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam nói. “Nhưng điều này không ngăn cản một số người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tiếc nuối là Trung Quốc đã trao Bạch Long Vĩ cho Việt Nam”.

_______




_______

Bài do Mike Firn biên tập

Tin, bài liên quan
Tin Việt Nam

No comments:

Post a Comment