Saturday, November 23, 2024

Donald Trump và “món nợ” với giới đại gia công nghệ Silicon Valley
Thu Hằng
Đăng ngày: 23/11/2024 - 10:16
RFI

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump vẫn không hết gây bất ngờ nếu nhìn vào số bài viết trên một số tuần báo Pháp từ ngày 20-27/11/2024, chỉ trừ tuần báo Le Nouvel Obs dành số đặc biệt kỉ niệm ngày thành lập với chủ đề “Sức mạnh của niềm vui”.

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump cùng Elon Musk trước lần phóng thử thứ 6 tên lửa SpaceX Starship ngày 19/11/2024 tại Boca Chica, bang Texas, Mỹ. AP - Brandon Bell

Dù “mối quan hệ nguy hiểm giữa Putin-Kim” là chủ đề chính của tuần báo Courrier international, nhưng hồ sơ lớn đề cập đến “Trump bổ nhiệm một đội ngũ để báo thù cho ông”. Le Point quan tâm đến “Những cuộc chiến mới của ngành tình báo chúng ta” nhưng cũng không quên “Elon Musk hay Taylor Swift, sự chia rẽ thực sự của người Mỹ”. Bên cạnh hồ sơ chính là Nhà thờ Đức Bà Paris sắp được mở cửa trở lại, l’Express có rất nhiều bài về tân chính phủ của ông Donald Trump hoặc mối quan hệ với giới đại gia công nghệ ở thung lũng Silicon thông qua Elon Musk.

Silicon Valley sẽ không bao giờ còn như trước

Mục “Những Thế giới mới” của tuần báo l’Express dành phân tích mối quan hệ mới được hình thành, có đi có lại, giữa giới đại gia công nghệ Mỹ và tân tổng thống Donald Trump trong bài viết “Silicon Valley sẽ không bao giờ như trước nữa”.

Năm 2016, Silicon Valley ngả sang “xanh dương” vì nghi ngờ năng lực của tỉ phú nổi tiếng nhưng vô danh trên chính trường. Họ lo cho tương lai đất nước và nền dân chủ. Bà Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump, nhận được đến 99% ủng hộ tài chính ở Silicon Valley, theo nền tảng chuyên theo dõi quyên góp chính trị Crowpac. Năm 2024, cả thung lũng chuyển về “đỏ” vì tin vào lời hứa của ứng viên đảng Cộng Hòa để ngành công nghệ bùng nổ.

Elon Musk, được coi là người liên danh “giấu mặt” sau khi ông Trump bị ám sát hụt, không tiếc tiền và sức cho ứng viên đảng Cộng Hòa. Rất nhiều đại gia công nghệ khác cũng hào phóng rút hầu bao : Doug Leone, đồng sáng lập Sequoia Capital hoặc Antonio Gracias, của Equity Partners, cũng như những đồng nghiệp cũ ở Paypal : Peter Thiel (Palantir Technologies), Keith Rabois (Khosla Ventures) và David Sacks (Craft Ventures). Họ là những nhà đầu tư theo đảng Cộng Hòa, phản đối tư tưởng wokism. Một số người bỏ bang California, bị coi là cấp tiến, như Elon Musk chuyển đến Texas, nhưng lần này, họ đã biết vận dụng ảnh hưởng ngầm của chiếc nôi ngành công nghệ Mỹ.

Tự do đầu tư không giới hạn vào AI và ADN, sinh học

Ông Donald Trump nhận được hộ ủng hộ tài chính, đổi lại ông hứa không đánh thuế đối với lãi gia tăng chưa thực hiện hoặc ra quy định về lĩnh vực công nghệ. Trong khi chính quyền Biden, trong suốt 4 năm, vẫn “gửi đi thông điệp rõ ràng rằng các doanh nghiệp công nghệ cũng phải tuân theo luật và quy định với những ngành khác”, theo giải thích của giáo sư David Karpf, Trường Truyền thông và Quan hệ công chúng, Đại học George Washington. Đối với các nhà đầu tư, như Marc Andreessen và Ben Horowitz đứng đầu quỹ a16z đã đầu tư vài tỉ đô la vào trí tuệ nhân tạo sáng tạo và tiền ảo, đó là “một trở ngại cho kiếm tiền”.

Với ông Trump, rất nhiều chủ doanh nghiệp nghĩ rằng Mỹ sẽ bắt đầu một thập niên sáng tạo không bị gò bó để không bị “chết”, cả về nghĩa đen lẫn kinh tế. Chuyên gia về kỹ thuật số Nikos Smyrnaios, giảng viên Đại học Toulouse III cho rằng “có khả năng các công ty khởi nghiệp Mỹ được chính quyền Trump cho phép đi xa hơn trong các nghiên cứu về sinh học hoặc ADN”.

Chí ít ông chủ các đại tập đoàn công nghệ hy vọng được nhanh chóng tự do phát triển AI, bởi bối cảnh công nghiệp đã thay đổi và phải cạnh tranh với Trung Quốc. Theo Daniel Ives, thuộc Wedbush Securities, “cổ phiếu công nghệ sẽ còn tăng thêm 20% vào năm 2025” và nhiệm kỳ của Trump là “thời kỳ vàng son cho AI”.

“Có đi có lại”

Thế nhưng, nhóm đại gia công nghệ không muốn bị thụ động, phải đi tuyển người vận động hành lang đối với một số văn kiện, như AI Act ở châu Âu, mà họ muốn tham gia vào chiến thắng của một dân biểu nào đó để chắc chắn rằng người này sẽ không cản đường lĩnh vực. Thậm chí, nắm luôn quyền, như trường hợp Elon Musk, giữ bộ Hiệu quả chính phủ.

Theo điều tra của tờ New Yorker, lĩnh vực tiền ảo đã đầu tư hơn 100 triệu đô la cho chiến dịch tranh cử của Donald Trump và vài chục dân biểu ủng hộ tiền ảo. Bà Marietje Schaake, tác giả cuốn The Tech Coup, nhận định : “Thắng lợi của ông Trump là chiến thắng của các tỉ phú ngành công nghệ và tài chính rủi ro, hiện đã rất mạnh. Với Vance (phó tổng thống) và Musk, họ có một ghế trực tiếp ở bàn họp”.

Các nhà đầu tư tiền ảo như trút bớt gánh nặng vì ông Trump hứa sa thải ngay khi ông nhậm chức hai nhà điều tra Kina Khan và Gary Gensler, hắc tinh của tiền ảo. Đây có lẽ là một cách ông Trump đền đáp sự ủng hộ của họ, cũng như sau này sẽ để họ lách các quy định.

Nhà xã hội học Olivier Alexandre nhắc lại trong 50 năm lịch sử, Silicon Valley vẫn thường theo đảng Cộng Hòa và sẽ không có gì bất thường với việc thung lũng sẽ trở lại Cộng Hòa.

Elon Musk, “bạn thân nhất làm sếp”

Thân thiết với gia đình tân tổng thống Mỹ còn có lợi cho cả nhóm những tên tuổi lớn của Silicon Valley thân với Musk. Họ có thể có ảnh hưởng lớn trong chính phủ đang hình thành của ông Trump. Để minh họa cho bài trích dịch “Elon Musk, bạn thân nhất làm sếp” của tờ The New York Times, tuần báo Courrier international đã chọn bức biếm họa ông Donald Trump đeo hai sừng, theo hình mũ của một người ủng hộ MAGA đã xông vào trụ sở Quốc Hội, phía trên bộ não của ông Trump là đầu của ông chủ Tesla và SpaceX cùng với chú thích : “2024 bão táp của Nhà Trắng”.

Ông Elon Musk muốn thành lập một “đội xung kích”, xuất thân từ lĩnh vực tư nhân để cải cách chính phủ và dự kiến làm thế nào đó để “những người làm cách mạng của chính phủ thu hẹp này, toàn tâm toàn ý với lý tưởng, có được một chỗ đứng trong chính quyền sắp tới của Trump”.

Trump tập hợp nội các báo thù

Elon Musk phụ trách bộ Hiệu quả Chính phủ trong “Nội các của Trump” được minh họa theo góc nhìn hài hước của Emanuel Del Rosso ở Ý gồm có Dark Vador, Joker, người ngoài hành tinh Alien… Tranh biếm họa này minh họa cho bài viết “Tại Mỹ : Trump tập hợp một đội ngũ báo thù” của Los Angeles Times, được Courrier international trích dịch.

Tờ báo ở bờ Tây nước Mỹ nhận thấy “để thành lập nội các tương lai, tân tổng thống Mỹ đã chọn những nhân vật khiêu khích, sẵn sàng biến thành người thực thi báo thù các thể chế cho ông Trump”. Tờ báo quan ngại vào lúc thông thường, không một lựa chọn nào trong số đó có thể được Thượng Viện thông qua nhưng sắp tới, Quốc Hội lưỡng viện đều trong tay đảng Cộng Hòa. Thường bị coi là “thiếu kinh nghiệm, xung đột lợi ích, thậm chí là vô trách nhiệm” nhưng họ “được tuyển để giữ lời hứa làm đảo lộn Washington của ông Trump”.

Cả một nội các gây sốc ở Washington, nhưng cử tri của ông Trump hoan hỉ. Nhật báo The New York Times đã phỏng vấn khoảng 20 cử tri của tổng thống thứ 47, họ ca ngợi “một tuyệt tác”“một sự kết nối hoàn hảo”“một dàn casting 5 sao”.

Putin - Kim : Mối quan hệ nguy hiểm

Tổng thống thứ 47 của Mỹ sẽ phải đối phó với “mối quan hệ nguy hiểm giữa Putin và Kim”, theo tựa chính của hồ sơ trang nhất của Courrier international. Việc triển khai 10.000 lính Bắc Triều Tiên giúp Nga chiến đấu với Ukraina đã thay đổi cục diện chiến tranh và có nguy cơ mở ra một mặt trận khác ở châu Á.

Theo tờ The Sunday Times ở Luân Đôn, “câu lạc bộ những kẻ bất hảo dự báo buổi xế tà Mỹ”. Có thể phần đóng góp của Kim Jong Un không phải là quá lớn nhưng ông đã đưa được mình vào tâm điểm chú ý trong cuộc chiến đã kéo dài 1.000 ngày. Đối với Matxcơva, các nước phương Tây không có quyền bình luận về việc lính Bắc Triều Tiên tham chiến vì đây là chuyện nội bộ của Nga.

Tại sao Kim Jong Un lại gửi quân đến Nga ? Một trong những khả năng được báo Hàn Quốc Kyughyang Shinmun giải thích là Bình Nhưỡng muốn tăng cường liên minh với Nga theo kiểu liên minh giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc cũng dè chừng việc Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau. Dù vậy, theo nhà nghiên cứu Miles Yu, giám đốc Trung tâm về Trung Quốc thuộc Viện Hudson, được Wall Street Journal trích dẫn, “Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ việc hỗ trợ lén lút - hoặc chí ít là gián tiếp - cho Nga và Bắc Triều Tiên”. Trước khả năng rút lui của Mỹ sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống, Ukraina đang tìm những đồng minh mới ở châu Á.

Ukraina - Nga : Chiến tranh lạnh ở châu Phi

Giao tranh khốc liệt trên chiến trường, Ukraina và Nga cũng đối đầu ở vùng Sahel, châu Phi, được l’Express ví “như một cuộc chiến tranh lạnh” trong phóng sự điều tra về “Những hoạt động bí mật của Kiev và Matxcơva”.

Nga đã hoạt động từ khá lâu ở châu Phi với hai mục tiêu chính : gia tăng ảnh hưởng chính trị bằng cách gạt các nước phương Tây và biến các nước châu Phi thành khách hàng của Matxcơva ; tài trợ cho chiến tranh ở Ukraina nhờ vào việc khai thác bất hợp pháp vàng và kim cương ở khắp vùng Sahel.

Khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraina, 16 nước châu Phi vắng mặt, 8 nước không bỏ phiếu và một nước bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga. Đây là gáo nước lạnh khiến chính Ukraina thức tỉnh vì từ khi độc lập, châu Phi không nằm trong chương trình nghị sự ngoại giao của chính quyền Kiev. Để cứu vãn tình thế, Ukraina không ngừng nỗ lực, ví dụ thông qua chương trình cung cấp “Lúa mì cho châu Phi” do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để vận chuyển qua Hắc Hải.

Từ đầu năm 2024, Kiev muốn làm đảo lộn đà tiến của Nga ở trong vùng bằng các hoạt động chống Wagner và công ty tiếp nối Africa Corps. Theo giáo sư Sean McFate, nguyên sĩ quan quân đội Mỹ, “chiến lược bí mật của Ukraina để “diệt” những lợi ích của Nga ở châu Phi không chỉ dựa trên việc sử dụng chính nguồn lực của mình, mà còn dựa vào những công ty quân sự tư nhân (SMP) và lính đánh thuê ủng hộ phương Tây ở châu Phi, là những người có thể giúp họ hoặc bằng hành động trực tiếp, hoặc ít ra là tư vấn về mặt tình báo”.

Về mặt ngoại giao, chỉ từ đầu năm 2024, Ukraina mở 7 đại sứ quán và hướng đến mục tiêu có 20 cơ quan đại diện ở châu Phi cho đến cuối năm để mở rộng ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo kết luận của bài phóng sự, với những mối quan hệ được xây dựng từ lâu, những nguồn kinh doanh mờ ám và những chiến dịch bôi nhọ các nước phương Tây, cỗ máy chiến tranh của tổng thống Nga Putin vẫn có thể vận hành lâu dài.

Có nên sợ trí tuệ nhân tạo - AI ?

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã xuất hiện trong nhiều hoạt động và đời sống. Nhưng có nên sợ trí tuệ nhân tạo không ? Tuần báo Le Nouvel Obs đặt câu hỏi này với nhà sử học Israel Yuval Noah, tác giả tác phẩm nổi tiếng Sapiens và Aurélie Jean, nhà nghiên cứu về AI, để giới thiệu hai cách nhìn khác nhau.

Nhà sử học Yuval Noah tỏ ra bi quan khi miêu tả AI như một loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mới vì AI là công nghệ đầu tiên không phải là một công cụ mà là hàng triệu tác nhân, có thể tự đưa ra quyết định, tự học và phát triển. AI có thể chế tạo thuốc nhưng các loại vũ khí được trang bị AI cũng có thể tự quyết định tấn công vào đâu, giết ai, tự lập chiến lược… Trí tuệ nhân tạo mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu nhưng đã ở mức độc lập khá cao, có thể có những hệ quả nguy hiểm. Và sẽ ra sao trong 10, 50 năm nữa ? Vì những người lập trình AI cũng không thể đoán trước AI sẽ làm gì.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pháp, đằng sau mỗi thuật toán đều có ít nhất một người quyết định công nghệ này được thiết kế, phát triển, thử nghiệm, duyệt và sử dụng như thế nào. Về mặt quân sự, đúng là phải chú trọng đến cách sử dụng AI.

Nhà thờ Đức Bà Paris chuẩn bị mở cửa trở lại

Ngày 07 và 08/12/2024, Nhà thờ Đức Bà Paris - Notre-Dame de Paris mở cửa trở lại đón công chúng sau hơn 5 năm trùng tù vì hỏa hoạn. Tuy nhiên, đằng sau sự kiện này có bốn cuộc chiến được l’Express nêu trong mục Hồ sơ trang nhất.

Thứ nhất là cuộc chiến mới giữa Giáo hội và Nhà nước liên quan đến việc vào ngày khánh thành, tổng thống Pháp sẽ phát biểu ở bên trong hay bên ngoài nhà thờ vì tại Pháp, Nhà nước và Giáo hội tách biệt nhau. Thứ hai liên quan đến giáo hoàng, tổng giám mục và tổng thống. Giáo hoàng Phanxicô nói trước một số nhà báo hôm 13/09 là sẽ không đến Paris. Và giáo phận Paris liên tục tìm cách giải thích lịch trình dày đặc của giáp hoàng nhưng giáo hoàng lại có kế hoạch đến Ajaccio, đảo Corse của Pháp vào giữa tháng 12.

Thứ ba là cuộc chiến về kinh phí trùng tu. Nhà nước Pháp sở hữu nhà thờ Đức Bà Paris, trong khi chính phủ vẫn chưa tìm ra được ngân sách cho năm 2025. Cuối cùng là các mạnh thường quân không muốn bị kêu gọi quyên góp thêm vì “sở thích” của tổng thống khi ông muốn thay một số cửa kính thời Viollet-le-Duc bằng kính đương đại.

Gác qua những bất đồng nội bộ, chưa bao giờ một công trình lại được quan tâm đến như vậy ở Pháp. Ngay sau khi bị cháy, đã có 840 triệu euro được quyên góp để trùng tu. Khoảng 2.000 tình nguyện viên và 250 doanh nghiệp được huy động suốt 5 năm. Dự kiến hàng năm Nhà thờ Đức Bà Paris đón khoảng 15 triệu khách tham quan.

No comments:

Post a Comment