Hàn Quốc: Nga cấp phi đạn phòng không để đổi lấy lính Triều TiênAFP
23/11/2024
VOA
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trao đổi hiệp ước đối tác chiến lược vào ngày 19/6/2024 tại Bình Nhưỡng.
Nga đã cung cấp phi đạn phòng không cho Triều Tiên để đổi lấy việc Triều Tiên triển khai quân đội hỗ trợ cuộc chiến của Moscow tại Ukraine, cố vấn an ninh hàng đầu của Seoul cho biết ngày 22/11.
Hoa Kỳ và Hàn Quốc tố cáo Triều Tiên gửi hơn 10.000 binh sĩ để giúp Nga chiến đấu với Ukraine. Các chuyên gia cho biết ông Kim Jong Un rất muốn có được công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm chiến đấu cho quân đội của mình để đổi lại.
Khi được hỏi Seoul tin rằng Bình Nhưỡng đã nhận được gì, cố vấn an ninh hàng đầu Shin Won-sik nói: “Người ta đã xác định rằng thiết bị và phi đạn phòng không nhằm mục đích củng cố hệ thống phòng không dễ bị tấn công của Bình Nhưỡng đã được chuyển đến Triều Tiên”.
Phát biểu với đài truyền hình địa phương SBS, ông Shin nói thêm rằng Triều Tiên đã nhận được “nhiều hình thức hỗ trợ kinh tế” và “sau vụ phóng thất bại vào ngày 27 tháng 5, Triều Tiên đã nghiên cứu công nghệ liên quan đến vệ tinh”.
Các chuyên gia trước đây đã nói rằng để trao đổi, Triều Tiên có thể muốn có được công nghệ quân sự, từ vệ tinh giám sát đến tàu ngầm, cũng như các đảm bảo an ninh có thể có từ Moscow.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một hiệp ước đối tác chiến lược vào tháng 6 năm nay, trong chuyến thăm của người đứng đầu Điện Kremlin.
Hiệp ước này ràng buộc cả hai quốc gia phải cung cấp hỗ trợ quân sự “không chậm trễ” trong trường hợp bên kia bị tấn công và hợp tác quốc tế để phản đối các chế tài của phương Tây.
Ông Putin ca ngợi thỏa thuận này là một “văn kiện đột phá”.
Các chuyên gia nói Bình Nhưỡng có thể sử dụng Ukraine như một phương tiện để điều chỉnh lại chính sách đối ngoại.
Theo các nhà phân tích, bằng cách gửi quân, Triều Tiên đang định vị mình trong nền kinh tế chiến tranh của Nga với tư cách là nhà cung cấp vũ khí, hỗ trợ quân sự và lao động -- có khả năng bỏ qua đồng minh truyền thống, nước láng giềng và đối tác thương mại chính của mình là Trung Quốc.
Họ cho biết Nga cũng có thể cung cấp cho Triều Tiên quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của mình, chẳng hạn như dầu mỏ và khí đốt.
Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son Hui gần đây đã đến thăm Moscow và cho biết đất nước của bà sẽ “kiên định sát cánh cùng các đồng chí Nga cho đến ngày chiến thắng”.
Bà gọi cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine là “cuộc đấu tranh thiêng liêng” và nói Bình Nhưỡng tin vào “sự lãnh đạo sáng suốt” của ông Putin.
Triều Tiên và Nga đang chịu nhiều chế tài của Liên hiêp quốc, lần lượt vì chương trình vũ khí hạt nhân của Kim Jong Un và vì cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine.
Khi được hỏi công khai về việc triển khai quân đội Triều Tiên vào tháng trước, ông Putin đã né tránh câu hỏi mà thay vào đó là chỉ trích sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine.
Triều Tiên vào tháng trước nói rằng bất kỳ đợt triển khai quân đội nào tới Nga đều sẽ là “hành động tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế”, nhưng không xác nhận rằng họ đã gửi quân.
Việc Triều Tiên triển khai quân đội đã dẫn đến sự thay đổi giọng điệu từ Seoul, nơi đã phản đối các lời kêu gọi gửi vũ khí sát thương tới Kyiv nhưng gần đây đã ám chỉ rằng họ có thể thay đổi chính sách lâu nay của mình.
No comments:
Post a Comment