Chính phủ Việt Nam cần hành động mạnh hơn để tránh tái diễn vụ Hải cảnh Trung Quốc tấn công ngư dân
2024.11.23
RFA
Xuồng cao tốc của Hải cảnh Trung Quốc tiếp cận tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi cuối tháng 9/2024
Vụ 3 xuồng tốc độ cao của Hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam ở Hoàng Sa vào cuối tháng 9 khiến các ngư dân sợ hãi, chuyên gia cho rằng chính phủ Hà Nội cần có các biện pháp để tránh tái diễn vụ việc tương tự.
Đài truyền hình DW của Đức hôm 22/11 có bài viết về việc "Ngư dân Việt Nam bị cuốn vào căng thẳng ở Biển Đông" của tác giả Thao Nguyen và cách để bảo vệ quyền của những ngư dân dễ bị tổn thương.
Sau 16 ngày lênh đênh trên biển, thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên và thủy thủ đoàn đã trở về Cảng Sa Kỳ ở tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam mà không có cá — chỉ có thương tích và chấn thương, được cho là do lực lượng "an ninh hàng hải" có liên hệ với Trung Quốc gây ra.
Ông mô tả sự việc đau thương của thủy thủ đoàn là một cuộc tấn công dữ dội của 40 người đàn ông được trang bị thanh kim loại, khiến ông bất tỉnh.
Ông Thương, một ngư dân bị thương khác cho biết:
"Sau đó, người phiên dịch bảo chúng tôi lái tàu về phía Việt Nam. Họ chỉ để lại cho chúng tôi một thiết bị theo dõi để chúng tôi có thể quay trở lại bờ".
Theo Sáng kiến Biên niên sử Biển Đông (SCSCI), một nhóm nghiên cứu của Việt Nam, một tàu đánh cá khác của Việt Nam đã bị tấn công vào cùng buổi chiều và mất toàn bộ thiết bị, cùng với khoảng 3,5 tấn cá.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng sau đó ra tuyên bố "phản đối hành vi đối xử tàn bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam".
Vào cuối tháng 10, trong một cuộc họp báo, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc "thả tất cả ngư dân và tàu thuyền bị bắt giữ trái phép" được cho là đã bị giam giữ từ tháng 6.
Ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà nghiên cứu từ Viện ISEAS – Yusof Ishak tại Singapore, nói với DW:
"Những cuộc tấn công này phản ánh chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm ép buộc các quốc gia có yêu sách khác phải khuất phục và khẳng định sự thống trị của mình ở Biển Đông".
Cũng theo ông Giang, đối với Việt Nam, những sự cố này là lời nhắc nhở rằng, mặc dù quan hệ giữa hai quốc gia Cộng sản đã được cải thiện, Bắc Kinh vẫn sẵn sàng sử dụng các chiến thuật hung hăng.
Để bảo vệ ngư dân, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang cho rằng hợp tác đa phương đóng vai trò thiết yếu. Ông nói:
"Đầu tiên, các quốc gia ASEAN có yêu sách cần tăng cường hợp tác ngoại giao và đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (CoC) ở Biển Đông để thiết lập các quy tắc rõ ràng và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Thứ hai, tuần tra chung và quản lý nghề cá hợp tác có thể giúp giảm thiểu các xung đột tiềm tàng".
Ngoài ra, ông đề xuất thiết lập kênh liên lạc khẩn cấp với chính quyền Trung Quốc và nhấn mạnh "sáng kiến minh bạch" của Philippines là "động thái tuyệt vời" nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về các sự cố trên biển.
Bà Vân Phạm, giám đốc sáng lập của Sáng kiến Biên niên sử Biển Đông Việt Nam, nhấn mạnh Đối thoại Manila, một diễn đàn công khai gần đây về Biển Đông, là một "mô hình đầy hứa hẹn" trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các lĩnh vực và bên liên quan khác nhau.
Ngược lại, Việt Nam cần nhiều "hành động cụ thể" hơn, "có sức nặng hơn" so với "những tuyên bố bằng lời mạnh mẽ", bà Vân cho biết, đồng thời nói thêm rằng sự im lặng kéo dài của Việt Nam về trường hợp ngư dân bị giam giữ tại Đảo Hải Nam kể từ tháng 6 đã gửi đi một thông điệp gây chán nản đến cộng đồng ngư dân của mình.
Tin, bài liên quan
Tin Việt Nam
No comments:
Post a Comment