APEC: Chủ tịch Lương Cường cảnh báo nguy cơ chiến tranh thương mại giữa nỗi lo chính sách thuế quan từ Mỹ
2024.11.15
RFA
Chủ tịch Việt Nam Lương Cường đến cuộc gặp với Tổng thống Peru Dina Boluarte tại Lima hôm 13/11/2024 nhân Thượng đỉnh APEC
Chủ tịch Việt Nam Lương Cường trong bài phát biểu trước Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Peru đã đưa ra một thông điệp cảnh báo về mối nguy chiến tranh thương mại trên thế giới. Đây được cho là một chỉ trích mạnh mẽ nhất nhắm tới cách tiếp cận về thương mại của Tổng thống đắc cử Donald Trump - người sẽ bước vào Nhà Trắng vào tháng 1 tới, theo nhận định của Bloomberg.
“Đóng cửa, bảo hộ, chiến tranh thương mại sẽ chỉ dẫn đến suy thoái, xung đột và nghèo đói” - Chủ tịch Lương Cường phát biểu trong bài diễn văn vào ngày 14/1.
“Hơn bao giờ hết, cần loại bỏ tư duy “nhất bên thắng, nhất bên thua”, không để chủ nghĩa dân tộc làm méo mó chính sách. Trong một thế giới gắn kết, lợi ích đan xen chặt chẽ như ngày nay, tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế và hành xử có trách nhiệm, bởi mỗi quyết sách đưa ra đều có tác động rất lớn, dẫn đến hệ quả khôn lường.” - Chủ tịch Việt Nam phát biểu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 5/11 vừa qua và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ bốn năm của mình bắt đầu từ tháng 1/2025. Ông đã đe doạ sẽ áp thuế cao lên hàng nhập khẩu, điều mà Chính phủ Việt Nam lo ngại vì xuất khẩu hiện chiếm đến 85% giá trị nền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này và Mỹ lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam đã xuất siêu vào Mỹ hơn 100 tỷ đô la vào năm ngoái.
Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ tổng thống từ 2016 - 2020 đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Việt Nam xuất siêu vào Mỹ và gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ hơn cả Trung Quốc”.
Phát biểu tại APEC 2024, Chủ tịch Lương Cường nhấn mạnh:
“Việc áp đặt các tiêu chuẩn mới đối với thương mại, đầu tư mà không xuất phát từ cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, bỏ qua các khác biệt về trình độ phát triển, đặc thù của các quốc gia, thì không những cướp đi cơ hội việc làm của hàng trăm triệu người lao động, mà còn triệt tiêu sức sáng tạo và ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp.”
“Để khôi phục và củng cố niềm tin đối với tự do thương mại, hội nhập kinh tế, cùng với các chính sách hỗ trợ người lao động về đào tạo nghề, việc làm và an sinh xã hội, thì quan hệ thương mại, đầu tư quốc tế phải tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và bảo đảm cân bằng lợi ích, cạnh tranh công bằng” - ông Lương Cường khẳng định.
Việt Nam hiện đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP là từ 6.5% đến 7% vào năm 2025.
Chính phủ Việt Nam từ nhiều năm qua đã vận động chính phủ Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng hiện vẫn chưa thành công và điều này có ảnh hưởng rất lớn đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ khi nhiều mặt hàng Việt Nam liên tục bị kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại Mỹ.
Tin, bài liên quan
Tin Việt Nam
No comments:
Post a Comment