Mai Bá Kiếm - Phải học phép ứng xử lịch lãm khi ra nước ngoàivendredi 15 novembre 2024
Thuymy
Khi qua trường bay Hondo (dạy lái máy bay hạng nhẹ T.41), thiếu tá Duy là sĩ quan liên lạc (liaison officer) quản lý chúng tôi. Số là trường bay Mỹ không có quyền phạt chúng tôi khi vi phạm kỷ luật, dù có quyền đuổi chúng tôi về nước, nếu không chịu học hay thi rớt. Thiếu tá Duy thường phạt chúng tôi đứng nghiêm ngoài nắng nhiều giờ (không phạt hít đất, nhảy xổm).
Thiếu tá Duy là phi công máy bay quan sát, người Bắc di cư rất nghiêm khắc, đã huấn thị về cách ăn, ở, sinh hoạt và học hành, rồi kích thích lòng tự trọng chúng tôi bằng kết luận: “Các anh là hình ảnh của người Việt trong mắt người Mỹ qua cách cư xử. Các anh là hình ảnh của một quân nhân qua tác phong và tư cách thể hiện. Cuối cùng, các anh là một phi công tương lai phải giữ nét phong lưu của mình”.
Chúng tôi cứ hai thằng ở chung một căn barrack (hai phòng ngủ, một phòng khách, một phòng tắm, không có bếp và máy giặt (Nhà ăn gồm bếp, máy giặt ở cách xa chỗ ở vài trăm mét).
Hàng ngày, chị maid người Mễ Tây Cơ tới dọn phòng, nhưng chúng tôi phải sợ họ, vì họ tố cáo với thiếu tá Duy những bê bối trong sinh hoạt của chúng tôi. Do nhà bếp xa, có đứa làm biếng lấy dây điện trở nấu nước sôi ăn mì gói Top Rament của Nhật, sau đó không đem giấu dây điện trở thì thằng đó sẽ bị phơi nắng. Đi bay mà quên tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi phòng cũng bị phạt. Ai để mền, drap để rối nùi nó cũng họ méc thiếu tá Duy. Bạn D.H.H treo hình sex (thấy bộ phận sinh dục - hình nude của Playboy thì không sao) cũng bị nó méc là quấy rối tình dục, báo hại thiếu tá Duy phải đi xét từng phòng bắt gỡ hình khiêu dâm!
Khi chúng tôi có lịch bay buổi chiều, khoảng 9 AM nghe maid gõ cửa gọi thì chúng tôi phải vội mặc quần áo vào mới dám mở cửa. Maid dọn phòng ngủ, tôi ra phòng khách, maid dọn phòng khách, tôi vô phòng ngủ hoặc ra hành lang đứng cho lành! Đứa nào bị phạt ba lần sẽ bị thiếu tá Duy “ký củ” (ghi trong quân bạ).
Nhờ sợ maid như sợ má, đến giờ này khi trả phòng khách sạn tôi vẫn có thói quen, kéo mền, gối, drap cho ngay ngắn nhưng không cần tắt điện (vì khóa phòng là công tắc). Nhưng, ở báo Phụ Nữ tôi luôn tắt điện nếu tôi ra khỏi phòng sau cùng.
Nhớ thầy tôi dạy khi nghe điện thoại bàn reo, tôi phải nói “This is Kiem speaking from J Flight” để người gọi biết ai trả lời, ở đơn vị nào. Điện thoại quân sự không tốn phí, nhưng mình ‘’đừng nói dài, chiếm dung lượng của người khác”. Bây giờ, tôi vẫn thói quen “Dạ, MBK xin nghe (di động) hoặc “Báo PN xin nghe” (máy bàn ở tòa soạn).
Tòa soạn 188 Lý Chính Thắng nhỏ như cái hộp quẹt, phòng họp chật, có lần tôi nói nói với tổng biên tập Thế Thanh “Báo Phụ Nữ dạy bạn đọc nếp nhà, mái ấm, mà họp xong, không ai biết đẩy ghế vào”. Trong cuộc họp sau đó, chị Thế Thanh nói “Có một phóng viên nam đã phê bình như vậy”.
Sau 30/04/1975, nước máy ở Nhà Bè chảy nhỏ giọt (cho đến khi Công ty Cấp nước thả đường ống qua sông Sài Gòn nối với Khu chế xuất Tân Thuận). Từ đó, đi nhà hàng, vào công sở hay nơi đâu, đi vệ sinh hễ thấy vòi nước quên khóa, ống cao su sút ra vòi là tôi khóa, tôi gắn lại. Bây giờ, áp lực nước nhà tôi mạnh, tôi vẫn làm như vậy, vì nghĩ đến vùng xa còn thiếu nước.
Tôi đi công tác tỉnh nếu có cơ quan, công ty bao ăn, ở không bao giờ tôi lấy giấy công lệnh để hưởng công tác phí. Thu nhập báo Phụ Nữ đủ sống, không bao giờ tôi năn nỉ hay hăm dọa doanh nghiệp để lấy quảng cáo. Năm 1997, tổng biên tập Hồ Thị Minh Nguyệt đi họp gặp anh Hòa “Daso” mời quảng cáo báo Xuân. Anh Hòa dặn chị Minh Nguyệt “đưa hợp đồng cho anh MBK cầm sang tôi để ảnh hưởng hoa hồng quảng cáo”.
Khoảng năm 2000, chị trưởng phòng đại diện báo Phụ Nữ tại Hà nội vào Sài Gòn kiện thu nhập của chị thấp hơn phóng viên “quèn” MBK, phó tổng biên tập trị sự Bạch Tuyết phải “sao kê thu nhập” của tôi. Đúng là cao nhất nhưng chủ yếu do nhuận bút (có số báo tôi viết 7 tin bài) và lòi ra hơn 11 năm ở báo tôi chỉ lấy được 4 quảng cáo!
Tôi không học báo chí tại chức, tính cách tôn trọng của chung của tôi bắt nguồn từ mấy chị maid Mễ. Tôi có may mắn được học ở nhà trẻ của Hãng dầu Shell (1954-1957) do hai bà sơ Cô Chín và Cô Mười (nói tiếng Tây như gió) làm bảo mẫu. Tôi được uống sữa, ăn bánh Tây, xem truyện tranh của sách Pháp, nghe hai cô đọc truyện (Tiếng Pháp kể lại bằng tiếng Việt), biết uốn dẻo, ca múa…
MAI BÁ KIẾM 15.11.2024
No comments:
Post a Comment