Lầu Năm Góc trong tay Pete Hegseth : Quân đội Mỹ được yên tâm ?
Thanh Hà
Đăng ngày: 14/11/2024 - 16:33Sửa đổi ngày: 14/11/2024 - 16:45
RFI
Ngày 13/11/2024, tổng thống tân cử Donald Trump xác nhận các bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng, Tư Pháp Mỹ cũng như cơ quan Tình Báo Quốc Gia đã có chủ. Đương nhiên về thủ tục, những nhân vật được ông đề cử sẽ còn phải được Thượng Viện với đa số áp đảo trong tay bên Đảng Cộng Hòa thông qua. Bất ngờ hơn cả việc Pete Hegseth, nhà báo của kênh truyền hình Fox News được mời lãnh đạo Lầu Năm Góc, đứng đầu đội quân hùng mạnh nhất thế giới.
Pete Hegseth, người thứ ba từ trái sang phải, có triển vọng điều hành Bộ Quốc Phòng Mỹ. Ảnh ngày 18/11/2019. AP - Mark LennihanLãnh đạo tương lai của Bộ Quốc Phòng Mỹ Pete Hegseth là ai và với ông ở Lầu Năm Góc, những « kẻ thù của nước Mỹ sẽ mất ăn mất ngủ » như chính tổng thống Mỹ tân cử đã viết trên mạng xã hội, hay trước mắt chính giới ở Washington, quân đội Mỹ, an ninh Hoa Kỳ và cả các đại tập đoàn sản xuất vũ khí của nước Mỹ đang đứng ngồi không yên?
Big bang trong chính sách quốc phòng Mỹ ?
Ngày 12/11/2024 nhà bình luận và dẫn chương trình của đài truyền hình Fox News Pete Hegseth, 44 tuổi, được đề nghị giữ chức bộ trưởng Quốc Phòng. « Hắn là ai ? » một nhà môi giới trong làng công nghiệp quốc phòng và vũ khí của Hoa Kỳ tại Washington xin được giấu tên đã thốt lên câu hỏi này theo báo mạng Politico. Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng của Thượng Viện Mỹ, Adam Smith thú nhận nhìn vào lý lịch của Pete Hegseth thì ông « không thấy là nhân vật này không có chút kinh nghiệm nào đủ để lãnh đạo Lầu Năm Góc ».
Theo các tờ báo Mỹ, Pete Hegseth tốt nghiệp hai đại học danh tiếng của Mỹ là Princeton và Harvard, là một sĩ quan Lục Quân, phục vụ tại Afghanistan, Irak và ở căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên vịnh Guantanamo (Cuba). Ở nhiệm kỳ trước, ông Trump từng có ý định mời Hegseth đứng đầu Bộ Cựu Chiến Binh cho dù nhà báo này điều hành nhóm Concerned Veterans for America với chủ trương « tư nhân hóa » các dịch vụ bảo vệ các cựu binh Hoa Kỳ, giảm nhẹ gánh nặng cho chính quyền liên bang.
Quan trọng hơn nữa là những nghi vấn về chính sách của Hegseth liên quan đến tiềm lực quân sự của chính Hoa Kỳ, và ông sẽ điều hành như thế nào cỗ máy đồ sộ nắm giữ sinh mệnh của 2,5 triệu quân nhân, quản lý ngân sách gần 800 tỷ đô la ? Bộ trưởng Quốc Phòng sắp tới của Mỹ nghĩ gì về quan hệ an ninh giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới ?
Báo Politico chuyên quan sát về tình hình chính trị ở Mỹ ngay từ hôm 12/11/2024 trích dẫn quan điểm của sáng lập viên tổ chức bảo vệ các cựu chiến binh Mỹ Independent Veterans of America, Paul Rieckhoff báo trước « trong lịch sử Hoa Kỳ, Hegseth là ứng viên tệ hại nhất để lãnh đạo bộ Quốc Phòng ». Nhân vật này được chọn trước hết vì « trung thành với Trump và được Trump tin cậy ».
Truyền thông Mỹ và quốc tế nhắc lại căng thẳng trong quan hệ giữa ông Donald Trump với nhiều đời bộ trưởng Quốc Phòng : Jim Mattis (2017-2019) đã từ chức để phản đối chính sách của Washington khi đó với các đồng minh và chống đối tổng thống Trump đòi rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria ; Mark Esper (2019-2020) thì từng thẳng thắn chỉ trích tổng thống Hoa Kỳ « không đủ tư cách » cho chức vụ nguyên thủ quốc gia và Esper từ chối huy động quân đội đàn áp người biểu tình sau cái chết của người Mỹ da đen, George Floyd hồi tháng 5/2020.
Xung đột giữa Hàng Pháp và Quân Đội Mỹ ?
Là người của quân đội và từng phục vụ Afghanistan, Irak hay Guantanamo trong một thời gian, Pete Hegseth có một cái nhìn khác về cỗ máy quân sự cồng kềnh này của Mỹ và về chính sách an ninh của Hoa Kỳ.
Qua những phát biểu của ông trên các mạng xã hội, cũng như trong các chương trình truyền hình và nhất là trong cuốn sách cho ra mắt độc giả tháng 6/2024, The War on Warriors –Cuộc Chiến nhắm vào các chiến binh, lãnh đạo tương lai của Bộ Quốc Phòng Mỹ mạnh mẽ chỉ trích « chính sách thức tỉnh » của các sĩ quan quân sự hàng đầu tại Lầu Năm Góc. Hegseth cho biết ông đã giải ngũ năm 2021, bị gạt ra bên ngoài do « quan điểm chính trị và tôn giáo ». Tựa như tổng thống tân cử Donald Trump, Hegseth cũng chủ trương sa thải những thành phần trong quân đội –kể cả giới tướng lĩnh, mà bên bảo thủ gọi là « thức tỉnh », cụm từ dùng để nhắm vào những người có lập trường bảo vệ « công bằng về chủng tộc, xã hội » trong hàng ngũ quân đội.
Bộ trưởng Quốc Phòng sắp tới của nước Mỹ cho rằng đường lối thức tỉnh đó chỉ nhằm « làm suy yếu quân đội Hoa Kỳ ». Ông cũng chủ trương rằng đàn bà nên đứng ngoài chuyện binh đao. Hegseth tuy không nhiều kinh nghiệm nhưng lại không ngần ngại đả kích liên minh quân sự NATO hay thậm chí tấn công trực tiếp những « tượng đài » như chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân, tướng C.Q Brown và người tiền nhiệm của tướng Brown là tướng Mark Milley (2019-2023). Nhắm vào đương kim tham mưu trưởng Liên Quân Mỹ, Hegseth tự hỏi: « Nếu không phải da đen ông này có được chỉ định vào chức vụ đó hay không ? ». Với tướng Milley, Pete Hegseth đánh giá Milley đã « không thi hành nghiêm túc chính sách của tổng thống Trump » và là người của bên đảng Dân Chủ.
Theo tiết lộ của hãng tin Anh Reuters (ngày 13/11/2024) ê-kíp chung quanh tổng thống tân cử Donald Trump dường như đang thành lập một danh sách sa thải các sĩ quan Mỹ, trong đó bao gồm cả một số tướng lĩnh cao cấp có liên hệ với tướng Milley. Toàn bộ 6 nhánh (Lục Quân, Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Không Quân, Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ và Lực Lượng Không Gian) trong quân đội Hoa Kỳ đều có những tên tuổi đã bị đưa vào « sổ đen ».
Mỹ tránh can thiệp vào Châu Âu vì sợ ảnh hưởng đến Nga ?
Về đối ngoại, không hiểu rằng trong thời gian phục vụ bên Lục Quân Pete Hegseth có nhiều cơ hội cộng tác với đồng minh của Mỹ ở cấp chỉ huy hay không, nhưng điều đó không cấm cản viên cựu đại úy này gay gắt chỉ trích châu Âu « bất lực, để bị xâm chiếm ».
Ông đặt câu hỏi, tại sao Hoa Kỳ lại phải quan tâm đến các thỏa thuận phòng thủ với các đối tác đã « bị lạc hậu ? ». NATO trong mắt một người đã giải ngũ từ 2021 như Pete Hegseth, chỉ « biết hô hào về các quy tắc với một chính sách phòng thủ hoàn toàn trống rỗng (…) để phải trông chờ vào Hoa Kỳ ».
Riêng đối với Trung Quốc, người có triển vọng đứng lãnh đạo Lầu Năm Góc từ tháng 1/2025 quả quyết chính quyền Cộng Sản ở Bắc Kinh đang « xây dựng một lực lược quân sự với mục tiêu tập trung đánh bại Hoa Kỳ (…) Họ có tầm nhìn dài hạn để không chỉ thống trị khu vực mà còn thâu tóm luôn cả toàn cầu ». Trong lúc đó thì nước Mỹ lại chẳng có chiến lược nào « ra hồn ».
Còn về cuộc chiến tại Ukraina, người mà Donald Trump hoàn toàn tin tưởng là sẽ cùng ông đem lại hào quang cho nước Mỹ, Pete Hegseth, trong một chương trình truyền hình gần đây nhận định « nếu Ukraina tự vệ được thì quá tốt, (…) tôi không muốn Mỹ can thiệp sâu vào châu Âu vì như vậy khiến (Vladimir Putin) cảm thấy là ông ấy đang bị đe dọa ».
No comments:
Post a Comment