Cù Mai Công - 61 năm Đảo chính 1-11-1963 lật đổ nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm
vendredi 1 novembre 2024
Thuymy
(Tôi không phải là người viết sử mà chỉ ghi nhận thông tin từ góc người Ông Tạ. Nhưng lịch sử Việt Nam Cộng Hòa chắc chắn sẽ phải viết lại hoàn toàn nếu các mưu sự, tính toán của ba vị đại tá ấy thành công).
Trên đường Phạm Hồng Thái (nay là Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, TPHCM), có hẻm An Tôn (nay là hẻm 947 Cách Mạng Tháng Tám). Hẻm này dài hơn hai trăm thước, cuối hẻm nhìn xéo bên phải là Trường trung tiểu học Mai Khôi (nay là Trường tiểu học Bành Văn Trân). Xưa tôi học tiểu học ở Mai Khôi, nhiều lúc qua lại hẻm này vì trong đó có nhà cô giáo lớp Bốn của tôi.
Cùng dãy nhà với nhà cô tôi có một ngôi nhà giữa hẻm khá lặng lẽ, cửa nẻo thường đóng, người ra vô cũng ít nói. Dân trong xóm này gọi bà chủ nhà lịch thiệp, lộ rõ nét sang trọng này là o Khôi. Ít ai biết đó là vợ đại tá Việt Nam Cộng Hòa Lê Quang Tung - tư lệnh Lực lượng Đặc biệt Việt Nam Cộng Hòa, kiêm chỉ huy trưởng Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Phủ Tổng thống thời Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm.
Đại tá Lê Quang Tung được CIA lẫn chính giới coi như nhân vật quyền lực thứ ba của nền Đệ nhất Cộng hòa, sau hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
Phó của ông Tung là đại tá Trần Khắc Kính, con rể ông bà cụ lý Sóc trong ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám); cách nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân chừng vài chục mét, gần nhà cụ Vũ Hữu Soạn, cha đại tá Vũ Hữu San, hạm trưởng HQ4 - Trần Khánh Dư tham gia Hải chiến Hoàng Sa 1974.
Vợ chồng đại tá Tung có sáu con, ba trai ba gái. Trước khi đi Pháp, o Khôi hay đi bộ đến thăm gia đình một người bạn rất thân đồng hương là bà cựu đại tá Bùi Dzinh nhà mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám, Tân Bình, đối diện hồ tắm Cộng Hòa; cách nhà bà trăm thước.
Ba ông đại tá Lê Quang Tung, Bùi Dzinh, Trần Khắc Kính cùng là dân Ông Tạ và nhà rất gần nhau: ông này giáo xứ An Lạc, ông kia giáo xứ Nghĩa Hòa, Chí Hòa; nhà này cách nhà kia chỉ hai, ba trăm thước và đều là giáo dân Công giáo nhiệt thành.
Ba vị đại tá này có thể nói nằm trong số các sĩ quan trung thành bậc nhất với nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm nên được “ông cụ” Ngô Đình Diệm đặc biệt tin cẩn.
Đại sự bất thành của ba đại tá dân Ông Tạ trong cuộc đảo chính 1-11-1963
Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ đóng ở thành Cộng Hòa (nay là khu vực Trường đại học Dược và Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn) trên đại lộ Thống Nhứt (nay là đường Lê Duẩn, quận 1, TPHCM); cách Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) vài trăm mét.
Cùng với Lực lượng Đặc biệt, Lữ đoàn Liên binh Phòng vệ Tổng thống phủ là nỗi ám ảnh thất bại của nhóm tướng lĩnh đảo chính với hậu thuẫn của Mỹ - như đã từng thất bại trong cuộc đảo chính năm 1960. Ngày 19-10-1963, tướng Paul D. Harkins, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ ở Việt Nam Cộng Hòa thông báo cho Tổng thống Diệm biết ngân khoản Hoa Kỳ dành cho Lực lượng Đặc biệt bị cắt giảm.
Rõ ràng phía Mỹ đã “ngửi mùi” một âm mưu đáng sợ từ Lực lượng Đặc biệt mà hai vị tư lệnh và phó tư lệnh là Lê Quang Tung và Trần Khắc Kính đã lên kế hoạch: một nhóm lính thuộc Lực lượng Đặc biệt mặc đồ thường dân sẽ phóng hỏa đốt Tòa đại sứ Mỹ; ám sát đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge, Jr. và một số quan chức chủ chốt của tòa đại sứ.
Hai ông Tung - Kính chuẩn bị thực hiện kế hoạch này từ chỉ đạo trực tiếp của ông Ngô Đình Nhu, do đã nắm được toan tính của phía Mỹ trong việc đứng sau cuộc đảo chính.
Và nhóm tướng lĩnh âm mưu đảo chính, với hậu thuẫn của Mỹ và đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge, Jr., ra tay trước.
Ngày lễ Các Thánh, Các Linh Hồn 1 và 2-11-1963 đẫm máu
Trong Giáo hội Công giáo Rôma, có ba ngày lễ lớn liên tiếp, gọi là Tam nhật Các thánh (Allhallowtide): đêm 31-10 là đêm Vọng các thánh (Halloween - All Hallows' Eve), 1-11 lễ Các thánh, 2-11 lễ Các đẳng (hay Lễ Các đẳng linh hồn, lễ Các linh hồn).
Cả Tổng thống Diệm và ba vị đại tá kia đều là người Công giáo nhiệt thành chắc chắn không bỏ qua việc dự thánh lễ những ngày này.
Cuộc đảo chính của nhóm các tướng lĩnh, do tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng, có lẽ đã tính toán cả những chuyện này khi quyết định chọn ngày D cho cuộc đảo chính: 1-11-1963.
Tuy nhiên, ngày 1-11, trong khi đại tá Kính (con rể bà lý Sóc trong ngõ Con Mắt) cùng gia đình chuẩn bị bước vào nhà thờ An Lạc, nơi mà khi ấy “thằng bé” sau này là nhà thơ Đỗ Trung Quân đang giúp lễ để dự lễ Các Thánh thì đại tá Lê Quang Tung lại phải chuẩn bị đến Bộ Tổng tham mưu (nay là Bộ Tư lệnh Quân khu 7) cách khu An Lạc khoảng một cây số - theo yêu cầu của nhóm tướng lĩnh tổ chức cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm.
Trong cuộc gặp này, ông Tung đứng lên phản đối cuộc đảo chính, bị giết chết. Sau đó, em trai ông Tung là thiếu tá Lê Quang Triệu, tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt vào Bộ Tổng tham mưu tìm anh cũng bị giết.
Thân xác của hai anh em ông Tung và Triệu bị vùi đâu đó ở khu vực nghĩa trang Bắc Việt (nay là khu vực chùa Phổ Quang, Tân Bình), bên hông Bộ Tổng tham mưu, tới giờ vẫn chưa tìm thấy.
Một ngày sau khi hai anh em ông Tung - ông Triệu bị giết tại chỗ, ngày 2-11-1963, hai anh em ông Diệm và ông Nhu cũng bị thảm sát đẫm máu. Trước đó, ngày 1-11, Tổng thống Diệm đã gọi “đại tá Bùi Dzinh và thiếu tướng Cao đem 4 tiểu đoàn về giải phóng Thủ đô vào 4 giờ chiều ngày 1-11-63”.
Trung thành với ông Diệm, đại tá Bùi Dzinh, lúc ấy đang ở miền Tây, đã đưa Sư đoàn 9 Bộ binh về Sài Gòn với ý định giải cứu Tổng thống Diệm lần thứ hai (lần đầu năm 1960 thành công). Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Hữu Có (người vừa thay thế Đại tá Bùi Đình Đạm giữ chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh), đem quân chặn ở ngã ba Trung Lương và bến phà Mỹ Thuận; đồng thời đã rút phà ở bờ nam thuộc tỉnh Vĩnh Long về hết bờ bắc thuộc tỉnh Định Tường…, ngăn cản quân Sư đoàn 9 Bộ binh vượt sông Tiền Giang về Sài Gòn.
(Sau khi phản đảo chính thất bại và bị Hội đồng Quân nhân Cách mạng của tướng Dương Văn Minh tước binh quyền, đại tá Bùi Dzinh tiếp tục tham gia đảo chính Quốc trưởng Nguyễn Khánh ngày 19-2-1965. Thất bại, ông bị tuyên án “tử hình khiếm diện”, sau tha bổng, cho về hưu non. Đại tá Kính vẫn tại nhiệm nhưng cả ông lẫn Lực lượng Đặc biệt không còn được trọng dụng…).
Những ngày lễ của Tam nhật Các thánh năm 1963 ấy, vùng Ông Tạ ấy đầy oan khiên, máu và nước mắt.
CÙ MAI CÔNG 01.11.2024
No comments:
Post a Comment