Thursday, November 28, 2024

VNTB – Thực sự đất nước Mỹ đang đi về đâu?
Thái Hóa Lộc
29.11.2024 3:06
VNThoibao


(VNTB) – Theo tờ The Hill, những lựa chọn nội các của ông Donald Trump đang tưởng thưởng cho những người luôn đứng về phía ông khiến một số người phản đối cho rằng ông đang cắt bánh chia phần…

Kết quả bầu cử đã kết thúc hơn ba tuần lễ qua, Tổng thống Joe Biden đã mời Tổng thống đắc cử Donald Trump đến Tòa Bạch Ốc chúc mừng cũng như Phó Tổng Thống Kamala Harris ứng cử viên đảng Dân Chủ đối thủ của ông đã tuyên bố chấp nhận thua cuộc. Truyền thống chuyển giao quyền lực bắt đầu song song với việc tuyển chọn thành phần tân nội các.

Sự tuyển chọn người vào nội các của Tổng thống Donald Trump hoàn toàn theo tiêu chuẩn riêng của mình khác với thông thường theo lối nhìn cũ. Đó là tin vào khả năng, sự trung thành của họ. Tuy nhiên đối với ông lần này qua kinh nghiệm khi giành chiến thắng tại Tòa Bạch Ốc năm 2016, ông và nhóm tuyển chọn dường như bị bất ngờ và hơi chậm trong nỗ lực đề cử nhân sự cho chính quyền mới, theo The Hill. Ông Donald Trump đã không nêu tên những người đầu tiên được chọn vào nội các cho đến ngày 18-11-2016, tức 10 ngày sau cuộc bầu cử.

Ngược lại, lần này ông Donald Trump đã hành động rất nhanh chóng để đề cử không chỉ các quan chức chính trong nội các mà còn cả các quan chức cấp hai tại Bộ Tư pháp và các nhân viên cấp cao tại Tòa Bạch Ốc. Tất cả đều diễn ra trong vòng khoảng một tuần sau chiến thắng của ông Donald Trump trước Phó Tổng thống Kamala Harris. Những người thân cận coi đó là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Tổng thống đắc cử Donald Trump biết mình đang tìm kiếm điều gì vào thời điểm này đó chính là sự trung thành và vì sự sai sót này mà ông phải vất vả đương đầu trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên.

Tổng thống đắc cử Donald Trump từ lâu đã khẳng định rằng lòng trung thành là điều tối quan trọng đối với bất kỳ ai trong vòng quan hệ với ông. Còn theo trang Business Insider, những lựa chọn các vị trí nội các mới cho thấy ông Donald Trump coi trọng lòng trung thành sau nhiệm kỳ đầu tiên đầy biến động với nhiều bộ trưởng từ chức hoặc bị sa thải vì thường xuyên đối đầu với ông. Ông Donald Trump cũng từng nói rằng sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là chọn nhầm người. Ông Donald Trump đến thủ đô Washington, D.C vào năm 2016 với tư cách là một người ngoài cuộc chưa từng phục vụ trong chính phủ và nói rằng ông dựa vào người khác để giới thiệu nhân sự, theo tạp chí Time.

GS David E. Lewis tại ĐH Vanderbilt cho rằng qua danh sách đề cử nội các có thể thấy có sự nhấn mạnh về mối liên hệ giữa các cá nhân và chính sách của ông Donald Trump, đồng thời lưu ý rằng tổng thống đắc cử không còn là một chính trị gia “mới vào nghề” mà giờ đây có một “nhóm đồng minh sâu sắc hơn”.

“Một trong những vấn đề mà ông Donald Trump gặp phải trong nhiệm kỳ đầu tiên là những người mà ông ấy chọn không làm những việc mà ông ấy muốn họ làm trong chính quyền vì nhiều lý do, và tôi nghĩ rằng ông ấy đã học được cách tránh điều đó trong lần này” – GS Lewis cho hay.

Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ sung vào nội các và đội ngũ nhân viên Tòa Bạch Ốc những người trung thành có nhiều kinh nghiệm trong quốc hội, những người ủng hộ chương trình nghị sự của ông về nhập cư và chính sách đối ngoại, theo tờ The Wall Street Journal.

Chỉ trong vòng hai tuần sau khi có kết quả bầu cử, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã công bố các lựa chọn quan trọng trong nội các mới. Ông Donald Trump chọn ông Pete Hegseth – người dẫn chương trình đài Fox News – cho vị trí bộ trưởng quốc phòng, Thượng nghị sĩ Marco Rubio làm ngoại trưởng, Dân biểu đảng Cộng hòa Matt Gaetz và ngay sau thời gian ngắn ông Matt Gaetz rút lui, ông thay thế ngay luật sư Pam Bondi luật sư riêng làm bộ trưởng tư pháp,…

Gần như các nhân vật đề cử của ông Donald Trump gần như hoàn tất đều là những nhân vật lên tiếng bảo vệ tổng thống đắc cử, ủng hộ ông trong suốt chiến dịch tranh cử hoặc sát cánh cùng ông vào một số thời điểm đặc biệt. Bên cạnh đó, trong các thông báo đề cử, ông Donald Trump đều nhấn mạnh sự ủng hộ của những nhân vật này đối với chủ thuyết “Nước Mỹ trước tiên” của ông.

Theo The Hill, trong danh sách lựa chọn cho các vị trí nội các trên khác xa với “nhóm đối thủ” đã hình thành nên nhóm quan chức cấp cao trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump. “Có vẻ như nhóm này là một nhóm người gắn bó chặt chẽ hơn. Bây giờ, những người có thể không thích các nhân vật được ông Trump đề cử nhưng họ đang tiến cùng lên phía trước với ông. Sự kết hợp này khá nhanh chóng – theo ông Marc Short, cựu Chánh Văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, cho hay.

Do đó, theo tờ The Hill, những lựa chọn nội các cho đến nay là dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump đang tưởng thưởng cho những người luôn đứng về phía ông mà một số người phản đối cho rằng ông đang cắt bánh chia phần và chỉ trích thậm tệ những người được đề cử: “Người chống vaccine kịch liệt sẽ làm Bộ trưởng Y tế. Người tung tin giả, ủng hộ Putin nhiệt thành sẽ đứng đầu ngành tình báo Mỹ. Người bị cáo buộc có quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên và mở tiệc bạch phiến sẽ là Bộ trưởng Tư pháp. Người bị loại ngũ, cực đoan, và sách nhiễu tình dục đồng nghiệp sẽ là Bộ trưởng Quốc phòng. Kẻ dùng bằng giả sẽ lãnh đạo ngành giáo dục. Kẻ sống bằng thuyết âm mưu và nịnh bợ sẽ thành đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc…”. Nhóm chống đối cực đoan đã tạo ra hình ảnh một Tổng thống 47 Hoa Kỳ như một nhà độc tài: Trump đang biến Bộ Tư pháp Mỹ thành văn phòng luật sư của riêng, biến FBI, CIA thành cơ quan điều tra riêng của mình. Ông Trump đang theo đuổi chủ nghĩa phục thù. “American First” ngay từ nghĩa đen đã bộc lộ thứ chủ nghĩa ích kỷ, chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Ông Trump và MAGA đang đe dọa đến mọi khế ước xã hội, đe dọa pháp quyền, băng hoại linh hồn Mỹ… và kết luận sự đắc cử của ông đã “đóng cửa Thiên đường” và nước Mỹ đang bước vào địa ngục!

Ông Sean Spicer – cựu Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Donald Trump – nhận định quá trình chuyển giao quyền lực rõ ràng đang ở một vị trí tốt hơn nhiều so với năm 2016. “Các kế hoạch, nhân sự, quy trình đều đã được cân nhắc, và những người xung quanh ông Donald Trump hiện đều cam kết thúc đẩy chương trình nghị sự. Ông ấy không còn phải băn khoăn về cam kết của họ đối với chương trình nghị sự nữa” – ông Spicer nói. Theo tờ The Guardian, hàng trăm quan chức cấp cao trong chính phủ liên bang, bao gồm tất cả các thành viên trong nội các của tổng thống, đều phải được Thượng viện chấp thuận, nghĩa là họ cần sự ủng hộ của ít nhất 51 thành viên của Thượng viện để được xác nhận. Đảng Cộng hòa được dự đoán kiểm soát Thượng viện Mỹ sau cuộc bầu cử vừa rồi với 53 ghế, tạo nên ưu thế lớn đối với việc bổ nhiệm nội các của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Các thượng nghị sĩ luôn nhắc đến tầm quan trọng của thể chế đóng vai trò là một cơ quan nhằm kiểm soát Hạ viện và cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, chiến thắng thuyết phục của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử có thể làm tăng áp lực buộc các nhà lập pháp phải tuân theo ý muốn của tổng thống đắc cử. Trên thực tế, ông Donald Trump đã bắt đầu chiến dịch gây sức ép lên các thượng nghị sĩ Cộng hòa thậm chí trước khi đưa ra bất kỳ lựa chọn nội các nào. Ông Donald Trump đã nói rằng bất kỳ ai mong muốn trở thành lãnh đạo đảng Cộng hòa phải chấp thuận các cuộc bổ nhiệm trong thời gian Thượng viện nghỉ giữa kỳ – một thủ tục cho phép tổng thống về cơ bản bỏ qua quá trình xác nhận đối với bất kỳ đề cử gây tranh cãi nào. Vẫn chưa rõ ràng liệu các thượng nghị sĩ có đồng ý đề xuất trên hay không, mặc dù tân lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Thượng nghị sĩ John Thune đã gợi ý rằng ông sẵn sàng chấp nhận này. “Chúng ta phải hành động nhanh chóng và quyết đoán để đưa những người được tổng thống [đắc cử] đề cử vào vị trí càng sớm càng tốt, và tất cả các lựa chọn đều được cân nhắc để thực hiện điều đó, bao gồm các cuộc bổ nhiệm trong thời gian nghỉ” – ông Thune cho hay…

Đất nước Hoa Kỳ đã trải gần 250 năm lịch sử kể từ khi được độc lập năm 1776. Đã có 47 lần bầu cử tổng thống, 119 lần bầu cử hạ viện và thượng viện, mỗi lần đều có tranh cử, ứng cử, cũng có sóng gió, nhưng tất cả đều trôi qua, mọi việc rồi đâu vào đó. Nước Mỹ chỉ có một lần gặp khủng hoảng lớn là ‘nội chiến’ từ 1861-1865 do tranh chấp về việc bãi bỏ chế độ nô lệ mà TT Lincoln đề xướng. Nhưng nước Mỹ không vì thế mà lụn bại, trái lại, mỗi ngày mỗi mạnh và phát triển hơn, người dân Mỹ không bao giờ chịu ngồi đó chịu trận, họ cố vươn lên dù trong bão táp.

Nhân ngày Lễ Tạ Ơn, người Việt tỵ nạn chúng ta cảm ơn đất nước và nhân dân Hoa Kỳ cưu mang chúng ta được sống tự do-dân chủ ở đất nước này. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho nhau thương yêu-đoàn kết. Bầu cử đã xong, lá phiếu quyết định kết quả, nói lên ý nguyện của cử tri. Chúng ta phải chấp nhận. Thắng thua chỉ là tương đối, không có gì là tuyệt đối. ĐÓ LÀ DÂN CHỦ.

No comments:

Post a Comment