Friday, November 29, 2024

Thỏa thuận hưu chiến giữa Israel và Hezbollah tại Liban: Một thắng lợi ngoại giao của Pháp
Minh Anh
Đăng ngày: 27/11/2024 - 14:33
RFI

Ngày 26/11/2024, Mỹ và Pháp thông báo thỏa thuận hưu chiến giữa Israel và phe Hezbollah tại Liban, có hiệu lực từ 4 giờ sáng thứ Tư 27/11, giờ địa phương và kéo dài trong vòng 60 ngày. Đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng cho tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden. Nhưng sự kiện cũng cho thấy Paris đang khôi phục vị thế của mình tại vùng Cận Đông.

Một tòa nhà đổ nát do bị Israel oanh kích ở Beirut, Liban, ngày 27/11/2024. © Mohamed Azakir / Reuters

« Thành công ngoại giao », « thắng lợi quan trọng », báo chí phương Tây bình luận về vai trò của Mỹ, đặc biệt là của tổng thống Biden trong việc đạt được thỏa thuận hưu chiến giữa Israel và phe Hezbollah Liban. Nhưng thành công này có được một phần cũng nhờ vào các hoạt động ngoại giao tích cực của Pháp bên cạnh sáng kiến do Mỹ đề xuất.

Đây không phải là lần đầu tiên Pháp tham gia tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Liban. AFP nhắc lại, hồi tháng 9/2024, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã từng dội gáo nước lạnh khi ngầm phá hỏng một sáng kiến tương tự do Paris đề xuất.

Bất chấp « cái tát » đau điếng đó, theo như quan điểm của ông Macron lúc bấy giờ, Paris không thoái chí, vẫn tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán, phối hợp cùng Washington, ngay cả khi Tel Aviv « muốn tìm mọi cách gạt trừ vai trò của Pháp » ra khỏi thỏa thuận.

Tuy nhiên, Washington hiểu rằng để thành công trong ván cờ này, họ cần đến sự trợ giúp của Paris. Điều này đã được khẳng định qua việc Liban cố nài để Pháp giữ một vị trí trong ván cờ này, đặc biệt là vì những mối quan hệ của Pháp với phong trào Hezbollah Liban và Iran, quốc gia hậu thuẫn Hezbollah.

Theo nhà nghiên cứu Hasni Abidi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về thế giới Ả Rập và Địa Trung Hải, trụ sở tại Genève, Liban muốn có sự hiện diện của Pháp cũng là vì họ « không tin tưởng vào Mỹ, vốn tỏ rõ đi theo hoàn toàn lập trường của Israel ».

Pháp, nước phương Tây duy nhất không coi Hezbollah là khủng bố

Pháp là quốc gia duy nhất trong số các cường quốc phương Tây cũng như trong Liên Hiệp Châu Âu từ chối xem nhánh chính trị Hezbollah như là những phần tử khủng bố. Với cách nhìn thực tiễn, Paris duy trì một thế trung lập trong các cuộc tranh luận quốc tế liên quan đến Liban.

Paris cho rằng « Hezbollah là một nhóm khủng bố nhưng về mặt xã hội lại hoạt động tích cực trong việc hậu thuẫn cộng đồng người Liban Hồi giáo hệ phái Shia, và đây còn là một chính đảng có các dân biểu ở Quốc Hội  từ năm 2008, dưới thời các chính phủ liên minh cầm quyền ở Liban », theo như nhận định của ông Guillaume Lagane, giáo sư trường đại học Khoa học Chính trị Sciences Po, với báo Pháp Le Figaro.

Cũng theo nhà địa chính trị học Pháp, chính vì « lập trường cân bằng của Pháp giữa các nhóm tôn giáo và sắc tộc » tại Liban mà Paris được cho là « ngòi bút » chuyên trách soạn thảo các nghị quyết liên quan đến Liban tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận tan vỡ ?

Trong bối cảnh nước Pháp đang mất dần ảnh hưởng ở Trung Đông, thỏa thuận hưu chiến đã phần nào giúp Paris tìm lại « vị thế truyền thống » của mình trong khu vực. Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tự hào tuyên bố, « thỏa thuận này là kết quả của những nỗ lực không ngơi nghỉ được thực hiện từ nhiều tháng qua. Đây là một thành công cho nền ngoại giao Pháp ! »

Thông báo hưu chiến được đưa ra đúng lúc cho tổng thống Macron, đang trong thế khó khăn tại Pháp kể từ khi ông giải tán Quốc Hội tháng 06/2024 và đang hy vọng tìm lại vị thế trên trường quốc tế. Những nỗ lực ngoại giao của ông trong nhiều hồ sơ, từ Libya cho đến Ukraina, cho đến giờ vẫn chưa được đền đáp. Kể cả đối với hồ sơ Liban, từ năm 2020, nguyên thủ quốc gia Pháp cũng tìm cách gây áp lực với nhiều chính đảng nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị làm tê liệt nước này, nhưng đã bất thành.

Câu hỏi đặt ra : Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thỏa thuận tan vỡ ? Quân đội Liban không có đủ phương tiện để bảo vệ vùng đệm giữa phe Hezbollah và quân đội Israel. Chuyên gia Hasni Abidi cảnh báo : « Pháp đang đối mặt với một nhiệm vụ tế nhị : Duy trì thế độc lập và tầm ảnh hưởng, nhưng đồng thời bảo đảm sự tin tưởng của các đối tác ! »

No comments:

Post a Comment