Lê Học Lãnh Vân - Tâm sự với Nguyễn Văn Tiến Hùngvendredi 29 novembre 2024
Thuymy
1) Tui hiểu lòng bạn tui, Nguyễn Văn Tiến Hùng, khi anh viết trên trang Phây của mình chiều hôm qua nhūng dòng về nghệ sĩ Bạch Tuyết.
Tui và Tiến Hùng cùng là dân Nam Kỳ Lục Tỉnh mê cải lương. Làn điệu của vùng nước rộng sông dài, vút lên trời cao, trầm xuống như nước ru bờ, ngân trải trên mặt sông mênh mông... Chân chất và thiệt lòng, hào khí và tình nghĩa, tiếng lòng đi thẳng vào trái tim thay cho lý luận dông dài.
Sau thế hệ lập nghề Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Tư Chơi, Năm Phỉ, Bảy Nam, những nghệ sĩ cải lương thượng thặng tiếp theo có bao người? Bạch Tuyết, Hùng Cường, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Thành Được...
Không trong nghề nên tôi không dám phê bình cách diễn, cách hát của Bạch Tuyết, chỉ biết mê mẩn khi tiếng hát của chị cất lên. Ngay cả khi chỉ ca, trong tiếng ca của chị có cả điệu diễn. Khi chị diễn, tiếng ca của chị tôn cách diễn và cách diễn dẫn nhập tuyệt vời vào lời ca. Làm sao không mê nghệ sĩ Bạch Tuyết?
2) Nhưng mà, buồn lắm, Tiến Hùng ơi! Lòng tôi buồn lắm khi tính trung thực của bằng cấp của chị Bạch Tuyết được mang ra chợ đời phê phán. Thực ra tôi đã nghe người ta rỉ tai nhau từ khá lâu rồi. Và biết, trước sau gì sự việc cũng được lôi ra...
Trong hoàn cảnh xã hội mình, khi sự suy thoái đạo đức đã tới mức mà anh Bùi Minh Quốc phải kêu lên “cả một thời đểu cáng đã lên ngôi”, thì cái nền giá trị đạo đức căn bản phản ứng lại. Phản lực lành mạnh đó đang lên tiếng yêu cầu lôi ra ánh sáng mọi khuất tất, giả dối tích tụ mấy chục năm nay. Tôi nghĩ trong những ngày sắp tới, người dân có dịp nghe nhiều việc động trời khác. Biết rằng động lực từng cá nhân có khác nhau, nhưng khuynh hướng của xã hội đang đi tới khó ai cưỡng lại.
Nếu bằng tiến sĩ của nghệ sĩ Bạch Tuyết không thật, thì tôi nghĩ chị Bạch Tuyết cũng là nạn nhân của thói lề chung của xã hội sính bằng cấp. Từ mấy chục năm nay, tật xấu của xã hội nhiều quá, nhiều tật xấu và mỗi tật xấu lại khá nặng nề! Các tật xấu ấy lại được dung túng, khuyến khích bởi nhiều cách khiến tính hám bằng, mê tín, lừa dối, độc ác hiện diện trong xã hội ở mức độ đáng sợ. Là người nổi tiếng, chị không tránh được trách nhiệm góp phần vào sự suy thoái chung.
3) Nghệ sĩ Bạch Tuyết, qua nghệ thuật cải lương, đã đem tới cho đời bao nhiêu nụ cười, nước mắt có ý nghĩa khiến cuộc sống thăng hoa. Cuộc đời nghệ thuật nghiêm túc của chị được công nhận và mến mộ bởi hàng chục triệu người Việt từ hơn sáu chục năm nay.
Tôi chắc rằng sau này, khi nhắc tới nghệ sĩ Bạch Tuyết, người ta sẽ nhắc tới sự nghiệp vững vàng của chị trong nghệ thuật và trong lòng người hâm mộ, yêu mến.
Mọi việc khác đều nhỏ trước sự nghiệp ấy!
LÊ HỌC LÃNH VÂN 29.11.2024
TB : Tôi không so sánh chị Bạch Tuyết với ông Vương Tấn Việt, tức "thượng tọa" Thích Chân Quang. Cho dù cùng có vấn đề liên quan tới bằng cấp, hai người có tác phong và cách xử sự rất khác nhau!
Một số bình luận :
Lê Nguyễn : Xin đồng cảm với hầu hết những cảm nghĩ của bạn Lê Học Lãnh Vân. Riêng với điều này, xin không đồng tình với bạn, đó là khi bạn cho rằng “chị Bạch Tuyết cũng là nạn nhân của thói lề chung của xã hội sính bằng cấp”. Theo tôi, không thể cứ làm sai rồi đổ cho xã hội và trốn tránh trong cái vỏ “nạn nhân” để biện bác cho cái sai của mình.
Vào những thập niên 1950-1960, tui đã khá trưởng thành. Những giọng ca mà tui mê đắm là Thanh Hương, Út Bạch Lan, Thanh Nga ; họ gửi hết tâm hồn vào trong lời ca, tiếng hát, nghe họ, nhiều khi mình như sống với họ chung một hoàn cảnh, chung một cuộc đời. Có thể vì quá quen những giọng ca trên mà sau này, tôi nghe giọng ca của Bạch Tuyết có một cái gì đó giả tạo, màu mè, làm dáng, và đặc biệt dị ứng với danh hiệu “cải lương chi bảo” mà nhiều cây bút trong làng báo Sài Gòn trước 1975 đã phong tặng cho chị. Tất nhiên đây chỉ là cảm nhận rất riêng tư, thuộc về quyền cá nhân của mỗi người, không có chuyện hay dở, đúng sai ở đây.
Phước Lê : Tôi không nghĩ là “mọi việc khác đều nhỏ trước sự nghiệp ấy”, dù rất chia sẻ với anh.
Nhữ Đình Ngoạn : Con người chân chính, thực tài thì không cần đến hư danh. Những thành quả đóng góp cống hiến cho cộng đồng, được số đông trong cộng đồng quý mến, khâm phục, tôn trọng là đủ để lưu danh cho đời. Cần chi chạy theo những danh hiệu phù du. Rồi dùng hư danh tự huyễn hoặc đó để đánh bóng tên tuổi. Cái lựa chọn đó là do chính mình, chứ không thể đổ thừa cho hoàn cảnh, là nạn nhân.
Nếu là người chân chính, tử tế thì hãy trung thực xác nhận:
- Các bằng cấp đó là bằng gì, ai cấp.
- Để mọi người hiểu sai, ngộ nhận thì phải xin lỗi công chúng.
...
Đó là cách ứng xử cần thiết lúc này. Như vậy mọi người sẽ tôn trọng hơn.
No comments:
Post a Comment