Châu Mỹ Latinh : Ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại « sân sau » của Mỹ
Minh Anh
Đăng ngày: 14/11/2024 - 15:20
RFI
Vào lúc Hoa Kỳ cùng các đồng minh nỗ lực kềm hãm Trung Quốc ở châu Á, tại Nam Mỹ, Bắc Kinh tăng tốc đầu tư để mở rộng ảnh hưởng. Việc chủ tịch Tập Cận Bình ngày 14/11/2024 khánh thành cảng biển Chancay ở Pêru, trị giá hàng tỷ đô là một ví dụ điển hình, khẳng định thế ngày càng mạnh của Bắc Kinh ngay tại « sân sau » của Washington.
Cảng biển nước sâu Chancay, phía bắc thủ đô Lima của Pêru, do tập đoàn Cosco Shipping Ports của Trung Quốc đầu tư và xây dựng. © Guadalupe Pardo / APTerminal Portuasrios Chancay (TPCH), do đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đồng nhiệm Pêru Dina Boluarte khánh thành bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC, sẽ là cảng biển dân sự - quân sự đầu tiên của Trung Quốc tại Nam Mỹ.
Theo trang Intelligence Online (24/05/2022), cơ sở hạ tầng này đã ra đời nhờ vào mối liên kết đặc quyền mà Cosco Shippings Ports của Trung Quốc thiết lập với bộ Quốc Phòng ở Lima. Cựu tư lệnh Hải quân, tướng Gonzalo Rios Polastri, đô đốc Carlos Tejada Mera và Jason Guillén, trước đây là người đứng đầu bộ phận hậu cần của Hải quân Pêru, là những trụ cột của chi nhánh Cosco ở Chancay. Họ đều làm việc dưới sự điều hành của He Bo (Derek), phó tổng giám đốc chi nhánh Cosco ở Pêru.
Cảng Chancay: Biểu tượng cho sức mạnh ảnh hưởng Trung Quốc
Cảng biển khổng lồ do tập đoàn Cosco Shippings Ports, chiếm đến 60% cổ phần, đầu tư 3,6 tỷ đô la. Nằm cách thủ đô Lima gần 80 km về phía bắc và được xây dựng trên một diện tích rộng hơn 140 ha, một khi hoàn thành, cảng biển nước sâu Chancay (gần 18 mét) sẽ có 15 kè cảng và có thể tiếp nhận các loại tầu hàng lớn nhất thế giới, có khả năng vận chuyển đến 24 ngàn container.
Với cơ sở hàng hải này, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Nam Mỹ cũng sẽ được rút ngắn từ hơn 30 ngày xuống còn khoảng hơn 20 ngày. Theo nhận định từ Marc Lanteigne, chuyên gia về Trung Quốc, trường đại học Bắc Cực ở Na Uy, được France 24 trích dẫn, có được cảng nước sâu nói trên « tầu thuyền Trung Quốc không phải quá cảnh tại một cảng ở Bắc Mỹ hay ở Mêhicô khi băng qua Thái Bình Dương đến vùng Nam Mỹ », nhất là trong trường hợp căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, tầu thuyền của Trung Quốc có nguy cơ không được ghé cảng Rio Grande của Mỹ.
Đối với nhiều nhà quan sát, qua sự kiện này, Bắc Kinh đã chứng tỏ với các nước trong vùng « khả năng và mong muốn của Trung Quốc đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn tại châu Mỹ Latinh », khu vực theo truyền thống được xem như là « sân sau » của Mỹ. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Emmanuel Veron, Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông INALCO, giảng viên tại trường Hải quân Pháp, trên đài RFI giải thích, sau châu Phi, châu Mỹ Latinh được xem như vùng lãnh thổ chinh phục sau cùng của Trung Quốc.
« Châu Mỹ Latinh đã nằm trong lịch trình chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ nhiều năm qua. Sách Trắng đối ngoại của Trung Quốc đề cập đến khu vực này trong những năm 2007, 2008, 2009. Kể từ giai đoạn đó, có một sự chính thức hóa, chuẩn hóa chính sách đối ngoại đối với châu Mỹ Latinh.
Nếu nhìn vào các chi tiết, rõ ràng, bất chấp chính sách đối ngoại Big Stick của tổng thống Roosevelt có từ cách nay hơn một thế kỷ, tất cả các nước châu Mỹ Latinh, sân sau của Mỹ, ngày nay đều nằm dưới ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở mọi cấp độ, từ công nghệ, nhập khẩu, xuất khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là các loại nguyên liệu chiến lược như khoáng sản, đậu nành và các nguồn thực phẩm ».
Nơi nào Hoa Kỳ thoái lui, nơi ấy Trung Quốc lấp chỗ trống
Các dữ liệu từ Ủy ban Kinh tế Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê thuộc Liên Hiệp Quốc cho thấy, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và các nước trong vùng đã tăng gấp 35 lần từ năm 2002 để đạt khoảng 500 tỷ đô la vào năm 2022, đến mức Bắc Kinh nay đã qua mặt Washington trở thành đối tác kinh tế hàng đầu tại chín quốc gia, trong đó có Brazil, Achentina và Perou. Trao đổi thương mại này có thể sẽ đạt mức 700 tỷ đô là vào năm 2035 theo như dự phóng từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới được Le Monde (30/06/2023) trích dẫn.
Các chính sách đầu tư ồ ạt, chiến lược ngoại giao cho vay, cùng với lập trường tôn trọng chủ quyền và « không can thiệp » trong nền ngoại giao Trung Quốc, đã hội tụ với những lợi ích kinh tế và chính trị của nhiều lãnh đạo thuộc « cánh tả mới » ở Nam Mỹ, tạo thuận lợi cho Trung Quốc dần lấn sâu vào khu vực.
Theo một báo cáo của tổ chức tư vấn Đối thoại Liên lục địa châu Mỹ, trụ sở ở Washington, trong giai đoạn từ 2005 – 2022, các khoản vay mà Trung Quốc cấp cho các nước trong vùng đã tăng từ 7 triệu đô la lên thành 136 tỷ. Bà Margaret Myers, giám đốc chương trình châu Á và châu Mỹ Latinh, nhận định, « những khoản vay ồ ạt đó đã góp phần củng cố vị thế của các doanh nghiệp Trung Quốc tại châu lục, mở cho họ cánh cửa thị trường và danh tiếng của họ trên trường quốc tế. »
Sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh còn được giải thích bởi việc Hoa Kỳ ngày càng giảm các cam kết với khu vực. Hai chuyên gia về châu Mỹ Latinh, Alvaro Mendez và Gaspard Estrada, trong một bài phân tích cho đại học Khoa học Chính trị Sciences Po Paris năm 2023, được France 24 dẫn lại, đã ghi nhận số lần ông Tập Cận Bình đến thăm các nước châu Mỹ Latinh còn « cao hơn cả số những chuyến thăm của các tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden gộp lại ».
Pêru: Đầu ra, đầu vào lý tưởng cho hàng xuất – nhập khẩu Trung Quốc
Vì sao Trung Quốc đầu tư vào cảng Chancay của Peru ? Theo truyền thống, Trung Quốc ban đầu chỉ quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ dầu hỏa của Venezuela, đậu nành của Brazil, Achentina, cho đến các mỏ đồng tại Pêru. Cùng với thời gian, các nhu cầu của Trung Quốc cũng thay đổi. « Tam giác vàng » lithium – Achentina, Chilê và Bolivia – kể từ giờ đặc biệt thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Là quốc gia xuất khẩu hàng đầu chất lithium tinh chế và để giữ vững vị thế này, Trung Quốc cần đến châu Mỹ Latinh nhằm bảo đảm nguồn cung thiết yếu.
Theo Emmanuel Veron, với việc đầu tư vào cảng biển Chancay, Trung Quốc đang định hình lại bản đồ diện mạo hàng hải ở châu Mỹ Latinh. « Sau khi đã hoạt động ở bờ Đại Tây Dương của Brazil cũng như châu Mỹ Latinh, Trung Quốc tấn công vào phía bờ Thái Bình Dương của khu vực khi xem Peru như là một cửa ngõ chủ chốt ». Nam Mỹ không chỉ là nguồn cung nguyên nhiên liệu chiến lược, mà còn là đầu ra thay thế cho hàng hóa Trung Quốc vào thời điểm nước này đang gặp khó khăn do dư thừa sản xuất.
Nhìn từ góc độ này, cảng Chancay có thể đóng một vai trò chủ chốt : Bằng cách giảm thời gian vận chuyển, cảng nước sâu này cho phép hạ giá thành, và bán hàng hóa « Made in China » rẻ hơn tại châu lục, nhất là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Theo giới quan sát, có ba mặt hàng mà Trung Quốc đang nỗ lực tài trợ cho xuất khẩu do bị dư thừa sản xuất : Ô tô điện, các loại bình điện và pin năng lượng mặt trời.
Tuy nhiên, ông Emmanuel Veron cảnh báo, cùng với dòng thác hàng hóa Trung Quốc, châu Mỹ Latinh có nguy cơ đối mặt với nạn buôn lậu, buôn người và buôn thuốc phiện:
« Trên thực tế, đó không chỉ do mối quan hệ thương mại và chiến lược Mỹ - Trung tiếp tục tồi tệ, mà còn vì những khó khăn ngày càng rõ từ phía châu Âu đối với Trung Quốc, vào lúc châu Âu chuẩn bị tốt hơn để đối phó với việc Trung Quốc bán phá giá và trợ cấp xuất khẩu.
Do vậy, Trung Quốc cố gắng tìm kiếm nhiều thị trường mới, nhiều đầu ra khác và do vậy nhắm đến việc tái tổ chức các chuỗi giá trị, các chuỗi xuất khẩu của mình, và do vậy, các cơ sở hàng hải với đầu vào, đầu ra chính là cảng biển. Tuy nhiên, kèm với việc vận chuyển, buôn bán hàng hóa hợp pháp được hải quan giám sát, là nguy cơ gia tăng các hoạt động buôn bán bất hợp pháp trong những năm sắp tới.
Bằng chứng cụ thể là các tổ chức có liên hệ với các nhóm mafia lớn, các tổ chức tội phạm Trung Quốc tại châu Mỹ Latinh đã tăng mạnh trong các lĩnh vực xuất – nhập khẩu thuốc phiện, buôn người hay nhiều sản phẩm bất hợp pháp khác. »
Châu Mỹ Latinh và Biển Đông – Hai sân sau, hai cuộc chiến
Trước những tiến triển này, Hoa Kỳ gần như tỏ ra bất lực. Washington đã không cản trở được nhiều nước trong vùng cắt đứt quan hệ với Đài Loan để « bắt tay » với Trung Quốc. Các chính sách cấm vận, trừng phạt chống Cuba, Venezuela và Nicaragua, gợi nhắc đến học thuyết Monroe, đưa ra vào thế kỷ XIX, theo đó, Hoa Kỳ tự cho quyền làm « cảnh sát » ở khu vực, làm sống lại những hồi ức đau thương về những cuộc can thiệp quân sự của Mỹ, thúc đẩy những nước này rơi vào vòng tay Trung Quốc.
Ngoài việc mất lòng tin của các nước trong khu vực, đối mặt với các rủi ro về kinh tế, Hoa Kỳ còn có nguy cơ phải đối phó với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong vùng. Hồi tháng 7/2024, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, dựa vào các hình ảnh vệ tinh, cho rằng Trung Quốc đang có các hoạt động gián điệp ở Cuba. Truyền thông Mỹ năm 2023 còn loan tin Cuba và Trung Quốc đã có một thỏa thuận về việc thiết lập một căn cứ do thám để Trung Quốc thu thập các dữ liệu từ Mỹ. Nghiên cứu của CSIS khẳng định Bắc Kinh có đến 4 cơ sở quân sự tại Cuba.
Hơn nữa, Trung Quốc còn sở hữu nhiều trạm thu vệ tinh trên mặt đất tại châu Mỹ Latinh, mà nhiều chuyên gia nghi ngờ được sử dụng cho hoạt động dọ thám. Một đài quan sát không gian ở miền nam Achentina là do quân đội Trung Quốc quản lý. Chính quyền Buenos Aires khẳng định các hoạt động của đài chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực dân sự, nhưng nội dung thỏa thuận mà Achentina ký kết với Trung Quốc năm 2014 đã được giữ bí mật. Một nhà ngoại giao châu Âu, xin ẩn danh, giải thích : « Một điều khoản dường như quy định rằng Achentina chỉ có thể sử dụng đài quan sát này 10% thời gian. Đó là một sự nhượng thổ không hơn không kém ! »
Le Monde ngày 30/06/2023 cho biết, cùng với việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, Trung Quốc cũng tăng cường thắt chặt hơn và đa dạng hóa quan hệ quân sự với các nước Châu Mỹ Latinh, được thiết lập từ những năm 1990. Binh sĩ các nước châu Mỹ Latinh được gởi đến đào tạo ở trường đại học quốc phòng Trung Quốc. Khu vực này tuy mua rất ít vũ khí Trung Quốc, nhưng ông khổng lồ châu Á này đang tìm cách chen chân vào thị trường châu Mỹ Latinh. Bắc Kinh đã từng hối thúc Buenos Aires trang bị tiêm kích JF-17 Thunder, do Trung Quốc và Pakistan sản xuất, hay mua nhiều loại xe bọc thép khác, nhưng bất thành, do vấp phải sự cản trở từ Mỹ.
Hoa Kỳ tiếp tục các hoạt động quân sự và tình báo tại khu vực gần với đối thủ châu Á của mình. Chiến đấu cơ Mỹ bay trên không phận Biển Đông và thực thi giám sát điện tử, trong khi tầu chiến Mỹ qua lại ở eo biển Đài Loan. Washington bán vũ khí cho Đài Bắc và cử các chuyên viên quân sự đến đảo. Chẳng phải Bắc Kinh cũng đang làm điều tương tự ngay trên chính sân nhà của Washington tại châu Mỹ Latinh ?
No comments:
Post a Comment