VNTB – “Chạy” lý lịch tư pháp giá 800.000 đồng: rào cản với nhân sự quốc tế
Dân Trần
03.04.2025 4:07
VNThoibao

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa công bố một “đại án” liên quan tới lý lịch tư pháp. Theo kết luận điều tra thì từ 1/2019 đến 7/2023, các quan chức tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã nhận hối lộ hơn 43 tỷ đồng để giải quyết gần 55.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp. Tính ra mỗi hồ sơ tư pháp sẽ có mức hối lộ khoảng 800.000 đồng. Trong đó, Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm này nhận 700.000 đồng/hồ sơ/phiếu lý lịch tư pháp, phần còn lại thì các cấp dưới chia nhau.
Nếu so với các đại án ngàn tỷ, thì con số hối lộ 43 tỷ đồng không phải là lớn. Nhưng phải gọi đây là đại án vì liên quan tới 55.000 hồ sơ tư pháp, và vụ án xảy ra ở một trong những nơi quan trọng nhất trong ngành tư pháp: Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Ở cấp cao như vậy mà còn có chuyện mua bán hồ sơ lý lịch thì không phải bàn tới những cấp thấp hơn.
Lưu ý rằng, CSVN bắt đầu áp dụng Luật Lý lịch tư pháp từ năm 2010 để xây dựng hệ thống dữ liệu, quản lý nhân sự, xã hội. Từ đó tới nay ước tính có hơn 8 triệu Phiếu lý lịch tư pháp đã được cấp theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Nếu lấy con số hối lộ 800.000 đồng/phiếu lý lịch tư pháp như trong vụ án này thì sẽ ra con số hối lộ khủng lồ lên tới 6.400 tỷ (sáu ngàn bốn trăm tỷ) đồng. Đây rõ ràng là cái mỏ vàng cho các quan chức tham nhũng. Lưu ý, 800.000đồng/phiếu là giá gốc, giá sỉ số lượng lớn, do giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thu. Còn ở những cấp tỉnh, huyện thu thì còn khác nữa.
Bởi vậy trước nay người dân thường xuyên than vãn chuyện rắc rối khi “xin” lý lịch tư pháp. Một công dân bình thường muốn “xin” lý lịch thì phải trải qua những “quy trình” rất trần ai khổ ải, từ việc xếp hàng đăng ký “xin” hồ sơ, rồi nộp thông tin liên hệ, tới khi có giấy hẹn trả hồ sơ thì phải chờ đợi rất lâu. Riêng chuyện “xin” lý lịch tư pháp là đã bất cập rồi, vì CSVN tự nhận rằng cán bộ là “đầy tớ” của dân, nhưng dân phải đi “xin” thì đầy tớ mới cho.
Còn nếu những người chủ không muốn phải xếp hàng đi “xin” đầy tớ, thì ngay tại văn phòng tư pháp đó, có ngay cả một bầy “cò” làm “dịch vụ”. “Cò” là những người làm môi giới, móc nối với các viên chức tại phòng tư pháp để “chạy” lý lịch cho dân. Không qua “cò” thì viên chức không có ăn, dân không tốn tiền nhưng cũng không được việc. Các viên chức tư pháp được “cò” ăn chia tiền cho mỗi bộ hồ sơ, nên cố tình làm chậm hồ sơ, đưa ra các yêu cầu khó khăn để người dân phải bấm bụng trả tiền cho “cò”.
Mà không phải chỉ là tham nhũng vặt theo từng bộ hồ sơ lý lịch tư pháp cá nhân. Đối với các công ty làm dịch vụ xuất khẩu lao động, hoặc làm lý lịch tư pháp cho lao động người nước ngoài gia hạn giấy phép lao động (để làm việc ở Việt Nam), thì số lượng cần làm hồ sơ này là rất lớn. Rất nhiều công ty than thở rằng cho dù có đầy đủ giấy tờ chứng minh nhưng vẫn bị cơ quan tư pháp trả về với lý do “doanh nghiệp chưa chứng minh được mục đích sử dụng lao động người nước ngoài”. Thế nhưng chỉ cần giao cho “cò” thì trong 1 tuần là xong.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài. Đặc biệt là trong bối cảnh CSVN đang muốn thu hút đầu tư quốc tế, kêu gọi nhân tài từ các nước phát triển tới Việt Nam làm việc. Thử hỏi, ngay cả người dân trong nước còn bị muôn vàn “thách thức” thì người nước ngoài sẽ như thế nào nữa?
____________________
Tham khảo:
No comments:
Post a Comment