Tuesday, December 10, 2024

Trung Bảo - Miền Tây và những phận người trôi dạt
mardi 10 décembre 2024
Thuymy


Miền Tây chưa khi nào hết thu hút người ta.

Nếu thế hệ 8x người ta đọc Nguyễn Ngọc Tư và thổn thức với Cánh Đồng Bất Tận, hay xa hơn nữa là những câu chuyện về một miền Tây khẩn hoang của Sơn Nam, của Đoàn Giỏi… thì thế hệ Gen Z bây giờ lại có Lê Tuấn Khang.

Không còn đến với người ta qua những trang sách đầy trí tưởng tượng mà rất trực quan bằng những clip nửa hài nửa quảng cáo, Lê Tuấn Khang và các “diễn viên” của anh đem lại đúng cái người ta mường tượng về miền Tây: nghèo, thật thà, hiền lành, thích tiệc tùng ăn nhậu.

Miền Tây qua sách hay qua các clip đều hiện lên là một vùng đất trù phú, muốn ăn thì ra mương ra “guộng”. Có thể nghèo nhưng người ta không đói ở miền Tây. Trù phú là vậy, nhưng tại sao khi nhắc về miền Tây thì hình ảnh người ta nhớ nhiều nhất vẫn là nghèo?

Một lần ngồi với một thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nghe được những đúc kết đến mặn chát cả miệng. “Ở đâu trồng nhiều lúa nhất, ở đó tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng cao nhất. Ở đâu trồng nhiều lúa nhất, người dân ở đó nghèo nhất.”

Như nhiều thanh niên miền Tây khác, L. sau giờ làm chẳng có gì vui hơn là tụ bạ làm bữa nhậu. Tốt nghiệp đại học nhưng ở “trong vườn” rồi đi nhận thi công điện nước cho các nhà dân, L. đã ngoài 30 tuổi mà vẫn chưa biết khi nào có “dzợ”. Cái xã L. đang sống tìm đỏ con mắt cũng khó thấy một cô gái cùng trang lứa. Họ “đi Bình Dương”.

Bạn có còn thấy lạ, không khi nghe kể về những xóm ở miền Tây chỉ có con nít dưới 16 tuổi và người già trên 60 tuổi?

Những phận người từ bỏ ruộng vườn để trôi dạt với đủ nghề nghiệp. Cay cực có mà cay đắng cũng có. Nhem nhuốc dầu mỡ có mà diêm dúa phấn son cũng có.

Miền Tây giờ chỉ có mấy ông già mới nhậu rượu gạo. Thanh niên chuyển qua uống bia lon từ lâu. Một giám đốc kinh doanh của hãng bia lớn nói với tôi, ở miền Tây có khoảng 60 thương hiệu bia khác nhau và chỉ bán ở miền Tây.

Một con số khác cũng gợi lên cho người ta nhiều suy nghĩ, trong 63 công ty xổ số toàn quốc thì 21 công ty phía Nam chiếm 93,4 % thị phần. Có những người không dám đi chợ hơn 50k ngàn/ngày nhưng ngày nào cũng dành ra 100 ngàn mua vé số.

Miền Tây ly hương, trôi giạt đến một phiên chợ đêm giữa Đài Bắc mà tôi được nhìn thấy qua những cô dâu Việt. Một miền Tây tìm niềm vui trong những lon bia không rõ nơi sản xuất và tìm hy vọng trong những tấm vé số chiều xổ. Một miền Tây ra chợ chỉ còn những bộ đồ thun chứ tuyệt không thấy đâu nữa cái áo bà ba. Một miền Tây bàng bạc, ồn ào loa kéo thay cho êm đềm vọng cổ đờn ca.

TRUNG BẢO 10.12.2024 (Tựa bài do Thụy My đặt)

No comments:

Post a Comment