Dương Quốc Chính - Cải cách quỹ lương hưu và liệu pháp sốc ở Chilê
jeudi 14 novembre 2024
Thuymy
CẢI CÁCH QUỸ LƯƠNG HƯU VÀ LIỆU PHÁP SỐC Ở CHILÊ
Trước đây mình đã viết một loạt bài về liệu pháp sốc cho kinh tế ở Chilê, Ba Lan, Nga (thời Eltsin).
Ở Chilê có một giải pháp cho quỹ lương hưu mà mình muốn nhắc đến, nhân dịp có nhiều người chia sẻ một bài tính số lương hưu được nhận của người lao động Việt Nam thực tế là quá thấp so với những gì họ đóng.
Sau khi lật đổ chế độ Marxit của Allende, nhà độc tài Pinochet đã quyết định sử dụng các chàng trai Chicago, đệ tử của kinh tế gia Milton Friedman, để áp dụng liệu pháp sốc nhằm vực dậy nền kinh tế. Trong thời gian từ năm 1979-1981, một trong số các chàng trai đó là Pinera, bộ trưởng Lao động, đã tạo ra một hệ thống lương hưu hoàn toàn mới.
Thay vì phải đóng một khoản tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội và y tế cho nhà nước, người lao động được quyền lựa chọn đóng số tiền đó vào một quỹ tư nhân, do các công ty tư nhân cạnh tranh nhau quản lý.
Đến năm 1990 thì 70 % công nhân ở Chilê chuyển sang sử dụng quỹ tư nhân này. Mỗi người nhận được cuốn sổ ghi rõ những khoản đóng góp và số tiền lãi. Năm 90, cuộc cải cách kinh tế bởi liệu pháp sốc coi như thành công, với việc cắt giảm chi tiêu công từ 34 % GDP xuống 22 %. Trong đó cải cách về hệ thống phúc lợi nói trên chiếm 50 %.
Cuộc cải cách kinh tế gắn liền với lộ trình cải cách dân chủ. Năm 1980, tức 7 năm sau ngày đảo chính và áp dụng chế độ độc tài, Pinochet chấp nhận bản hiến pháp mới xác lập giai đoạn quá độ 10 năm cho nền dân chủ bền vững. Đến năm 1990, do thất cử sau cuộc trưng cầu dân ý, Pinochet từ chức, thực hiện đúng hiến pháp, nhưng vẫn nắm quân đội thêm 7 năm nữa (có lẽ để tránh bị trả thù giống như quân đội đang làm ở Miến Điện). Thế là nền dân chủ được phục hồi.
Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 15 năm trước khi Friedman đến thăm Chilê là 0,17 % ; thì 15 năm sau khi ông đến Chilê để đề xuất liệu pháp sốc, tốc độ tăng trưởng là 3,28 %, gấp gần 20 lần. Tỉ lệ nghèo khổ xuống 15 % so với 40 % của các nước Mỹ Latin còn lại. Các nước Mỹ Latin khác đua nhau bắt chước việc cải cách lương hưu của Chilê, như Mexico, Bolivia, El Salvador, Pêru và Colombia. Thậm chí người Anh còn sang học tập!
Cuộc cải cách này thậm chí còn hơn cả ở Mỹ, là cái nôi của kinh tế tự do, nơi có trường đại học Chicago của Milton Friedman.
DƯƠNG QUỐC CHÍNH 14.11.2024
No comments:
Post a Comment