Wednesday, March 30, 2011

RFI Điểm Báo (30.3.2011)
  • Thảm họa Fukushima làm lộ rõ nhược điểm của Nhật trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân
  • Hạt nhân : các công ty quản lý tư nhân chạy theo lợi nhuận ?
  • Học thuyết can thiệp quân sự của Obama
  • Thuyết phục thành phần phản đối trong dư luận Mỹ
  • Cuộc họp G20 tại Nam Kinh
  • Pháp : bạo lực ở trường học
Thứ tư 30 Tháng Ba 2011
RFI  
Thảm họa Fukushima làm lộ rõ nhược điểm của Nhật trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân
Nhật báo Le Figaro tiếp tục quan tâm đến tình hình Nhật Bản với bài viết trên trang nhất « Hạt nhân : Tình hình ở Fukushima hiện tại là không thể lường trước ». Bài báo cho biết, thủ tướng Nhật Naoto Kan ngày càng bị chỉ trích về việc điều hành đối phó thảm họa không hiệu quả.
Mức độ phóng xạ đe doạ sinh mạng của các toán công tác (©Reuters)
Mức độ phóng xạ đe doạ sinh mạng của các toán công tác (©Reuters)
Nhật Bản luôn được xem là cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới. Thế nhưng sự cố Fukushima đã làm lộ nhược điểm của chính phủ và các chuyên gia Nhật Bản. Đó là nội dung chính được nhật báo Le Monde phản ánh qua bài viết « Khủng hoảng cho thấy sự thất bại của nhà nước và các chuyên gia ».
Nhật Bản đang dấn thân vào cuộc chiến dài hơi, có thể kéo dài rất nhiều tuần, đê ngăn chặn điều bất trắc, mà nếu xảy ra sẽ là thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử hạt nhân dân sự. Trong bối cảnh đó, nhiều câu hỏi được đặt ra : Đâu là trách nhiệm của nhà nước và của các tập đoàn trực tiếp điều hành ? Tại sao giới cầm quyền lại không thể yêu cầu cung cấp thông tin minh bạch trong việc điều hành một ngành năng lượng nguy hiểm như vậy ?
Trước tiên, nước Nhật cần xem xét lại chính sách năng lượng của mình. Trước nay, chính sách này hầu như «nằm trong tay» các chuyên gia. Những người chống lại việc xây dựng nhà máy nguyên tử như nông dân hay ngư dân, thường không có tiếng nói trong lĩnh vực cao siêu này. Le Monde cho rằng, không nên xem nhẹ tiếng nói của các nhóm chống hạt nhân, việc sử dụng năng lượng hạt nhân phải là một đề tài suy nghĩ chung, chứ không nên chỉ dành riêng cho các chuyên gia.
Le Monde đánh giá, hiện tại, các tập đoàn khai thác năng lượng gây ô nhiễm ở Nhật không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa và phớt lờ nguyên tắc phải đặt sức khỏe người dân lên trên hết. TEPCO, tập đoàn trực tiếp khai thác nhà máy hạt nhân Fukushima, không phải là duy nhất trong việc che giấu thông tin chạy theo lợi nhuận, mà tất cả các tập đoàn khác ở Nhật đều hành động theo cách đó.
Hạt nhân : các công ty quản lý tư nhân chạy theo lợi nhuận ?
Sau thảm họa Fukushima, ta thấy xuật hiện một vấn đề không chỉ liên quan đến Nhật Bản mà liên quan đến toàn bộ các quốc gia khai thác hạt nhân : đó là có nên tiếp tục giao quyền quản lý các nhà máy hạt nhân cho những công ty tư nhân trong khi mục đích tối thượng của những công ty này là lợi nhuận ? Nếu đã giao quyền đó, thì chính phủ phải có biện pháp gì để buộc các công ty phải có « trách nhiệm xã hội » nhằm bảo vệ lợi ích cộng đồng ? Le Monde kết luận, thảm họa Fukushima đã đưa Nhật Bản vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà người dân ý thức được rằng đã đến lúc họ phải có tiếng nói, chứ không thế cứ phó thác mọi việc cho giới lãnh đạo.
Cũng liên quan đến thảm họa Fukushima, Les Echos có bài nhận định « Việc điều hành đối phó thảm họa chia rẽ giới lãnh đạo Nhật Bản ». Bài viết cho biết, trong khi tình hình tại hiện trường ngày càng tồi tệ, thì quan hệ giữa chính phủ, tập đoàn Tepco và các cơ quan an toàn hạt nhân của chính phủ ngày càng trở nên căng thẳng. Thủ tướng Naoto Kan tỏ ra nghi ngờ các cơ quan an toàn hạt nhân của nhà nước, và lấy làm quan ngại về sự móc ngoặc giữa chính quyền và các nhà sản xuất công nghiệp lớn ở Nhật Bản.
Học thuyết can thiệp quân sự của Obama
Hôm nay, Hoa Kỳ chính thức trao lại cho NATO quyền lãnh đạo liên quân quốc tế tham chiến ở Libya, nhường những vai trò then chốt cho các nước đồng minh, trong khi Washinton chỉ chấp nhận đóng vai trò « hỗ trợ hậu cần và tin tức tình báo ». Điều này thật « mới lạ » đối với hình ảnh một nước Mỹ mà người ta chỉ quen biết đến là cường quốc thích hành động đơn phương và luôn ở tuyến đầu trận chiến. Phân tích sự kiện này, Le Figaro có bài « Học thuyết can thiệp của Obama : giữa nghĩa vụ phải can thiệp và sự cẩn trọng cần thiết ».
Tờ báo nhận định, sẽ vội vã và sai lầm khi cho rằng với thái độ này Hoa Kỹ muốn « rửa tay gác kiếm » trước cuộc chiến Libya. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Hôm qua tại Luân Đôn, ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton còn tuyên bố ủng hộ việc lật đổ đại tá Kadhafi bằng mọi phương tiện chính trị và ngoại giao. Tổng thống Obama muốn rằng, sự can thiệp vào Libya mang tính « đa phương » và « hạn chế » để đáp ứng nguyện vọng của người Mỹ vốn đã quá mệt mỏi vì chiến tranh.
Le Figaro nhận định, thật ra ông Obama muốn can thiệp vào Libya dưới « danh nghĩa đạo đức ». Ông nói : « Chúng ta dĩ nhiên phải do dự trong việc sử dụng vũ lực để giải quyết nhiều vấn đề trên thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không bao giờ can thiệp. Không can thiệp vào Libya sẽ là một sự phản bội đối với bản chất của chúng ta ». Ông cũng nhấn mạnh rằng, tinh thần trách nhiệm trước thế giới và lịch sử vẫn luôn mạnh mẽ nơi người Mỹ, dù thuộc đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ.
Thuyết phục thành phần phản đối trong dư luận Mỹ
Để trấn an những cử tri vốn đã « dị ứng » với các cuộc phiêu lưu quân sự, tổng thống Obama đã khéo giải thích về quyết định can thiệp quân sự của ông vào Libya khi nhấn mạnh, sự can thiệp này tuyệt đối không phải là một mưu toan « thay đổi chế độ bằng vũ lực ». Ông nhắc lại việc can thiệp thay đổi chế độ ở Irak đã được 8 năm, với biết bao mất mát người và của. Từ đó, ông cam kết sẽ không lập lại kịch bản này ở Libya.
Thế nhưng, giới lãnh đạo Mỹ dường như hơi « mềm dẻo » trong việc áp dụng quyết định can thiệp hạn chế của tổng thống, nhất là trong ý định lật đổ ông Kadhafi. Đó là việc bóp nghẹt chế độ cầm quyền Libya về mặt chính trị và tài chính, kéo theo tình hình quân nhân trong quân đội Kadhafi đào ngũ hàng loạt. Đó là việc ngoại trưởng Hillary Clinton đã tiếp kiến hôm qua ở Luân Đôn người đứng đầu Hội đồng Lâm thời của phe nổi dậy. Nhân đó, bà này cũng hứa sẽ cử đến Benghazi một đặc phái viên Hoa Kỳ. Còn trên thực địa, máy bay Mỹ luôn ở vị trí tiên phong. Các tướng lĩnh lầu Năm Góc phủ nhận có sự phối hợp với lực lượng nỗi dậy, nhưng rõ ràng, theo Le Figaro, các cuộc không kích đã mở đường cho phe nổi dậy.
Le Figaro tóm lại : cẩn thận và cần tính tập thể trên phương diện ngoại giao, hành động vừa kiên quyết vừa uyển chuyển trên mặt trận, trong khi vẫn lưu tâm bảo vệ hậu đài chính trị ở trong nước đề phòng khi có điều ngoài ý muốn xảy ra, đó là học thuyết can thiệp của ông Obama.
Chia sẽ quan điểm này, Le Monde cũng có bài nhận định : « Ông Obama xác định học thuyết quân sự của mình thông qua cuộc chiến tại Libya ». Tờ báo này cũng tập trung phân tích bài diễn văn của tổng thống Obama được đọc vào tối thứ hai để giải thích về quyết định can thiệp vào của chiến Libya của Washington. Ông Obama cho rằng, nước Mỹ có một trách nhiệm đặc biệt đối với thế giới, đó là trách nhiệm của « đệ nhất cường quốc thế giới », tức là phải có trách nhiệm với toàn nhân loại.
Chính vì thế, ông Obama nhấn mạnh, không phải đợi đến lúc quyền lợi bị đụng chạm trực tiếp thì Mỹ mới can thiệp. Trong những trường hợp đặc biệt như thảm họa diệt chủng, thiên tai, hay khi cần thiết bảo vệ các tuyến đường thương mại, Hoa Kỳ phải biết gánh vác trọng trách với những nước khác. Nhưng khi quyền lợi cốt lõi của Mỹ bị đe dọa trực tiếp, thì nước này sẵn sàng đơn phương dùng vũ lực.
Theo Le Monde, qua bài diễn văn của tổng thống Obama, chính giới Hoa Kỳ tỏ ra hoan hỉ vì đã tìm thấy cái điều mà họ đã chờ đợi từ hai năm nay, đó là một học thuyết đối ngoại của tổng thống, theo đó, Hoa Kỳ xem trọng một lối tiếp cận đa phương vào các cuộc xung đột.
Cuộc họp G20 tại Nam Kinh
Liên quan đến cuộc hợp thượng đỉnh G20 tổ chức ở Nam Kinh Trung Quốc, nhật báo Les Echos cho biết, Paris hoan hỉ vì có thể tổ chức một cuộc họp G20 bàn về thị trường tiền tệ ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, thì Bắc Kinh lại làm mọi thứ để đảm bảo rằng cuộc họp sẽ không cho kết quả gì đáng kể.
Hôm nay, 30/3/2011, tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đến Bắc Kinh, và ngày mai sẽ đến Nam Kinh để khai mạc hội nghị cấp cao G20, một hội nghị đặc trong tâm về chính sách cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Thế nhưng, theo Les Echos, dù nói về quan hệ Pháp-Trung hay việc tái cấu trúc hệ thống tiền tệ thế giới thì lần này Pháp « buộc phải chơi lá bài khiêm nhường ».
Đầu tiên, ông Sarkozy sẽ tham dự buổi lễ khánh thành cơ ngơi mới của đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh, một công trình mà điện L’Elysée cho là biểu hiện của tầm cao mới trong quan hệ với Trung Quốc. Thế nhưng, theo Les Echos, mối quan hệ này sau đó hai giờ sẽ được « kiểm nghiệm » trong cuộc hội kiến giữa tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Nên nhớ rằng, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng cho nghị quyết 1793 cho phép can thiệp quân sự vào Libya. Đến hiện tại, Bắc Kinh vẫn cho rằng cuộc can thiệp này là « không hợp pháp ». Vì thế, ông Sarkozy sẽ phải khó khăn trong việc bảo vệ quan điểm của mình trước một đất nước được xem là số một trong việc phản đối mọi cuộc can thiệp vào nội bộ nước khác.
Ngay khi tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy sắp đến Bắc Kinh, các phương tiện truyền thông Trung Quốc hầu như không mấy quan tâm. Thông tin về cuộc hội kiến giữa ông Hồ Cẩm Đào và ông Sarkozy không có mặt trên trang nhất. Thậm chí đến hội nghị G20 sắp diễn ra ở Nam Kinh, báo giới nước này cũng thờ ơ. Phát ngôn nhân của bộ ngoại giao Trung Quốc nói rõ rằng, đây chỉ là một hội thảo khoa học thuần túy do Pháp tổ chức. Người này cũng khẳng định, vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ sẽ không nằm trong chương trình nghị sự. Nhiều chủ đề gay gốc cũng đã được rút ra khỏi chương trình thảo luận. Les Echos đánh giá, Trung Quốc đang làm mọi cách để tránh bị chỉ trích ở Hội nghị Nam Kinh.
Về thời sự nước Pháp, báo chí hôm nay dành trang nhất phản ánh nội hình lục đục của đảng cầm quyền UMP sau khi bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử hội đồng tỉnh vừa qua. Nhật báo Libération chạy tựa lớn trên trang nhất « Thời kỳ hậu bầu cử hội đồng tỉnh : cánh hữu không đầu ». Le Monde chạy tít « phe đa số thuộc đảng của tổng thống đang bị rối loạn và chia rẽ ». Tờ báo Cộng sản Pháp L’Humanité dành trang nhất cho bài « Sự chao đảo trên đỉnh ».
Cả ba tờ báo đều đánh giá, sau thất bại trong cuộc bầu cử hội đồng tỉnh, nội bộ đảng UMP có vẻ rối loạn và chia rẽ. Tổng thống Sarkozy ra sức chấm dứt tình trạng lục đục trong đảng. Hôm qua, hai nhân vật cốt cán của UMP đã chính thức « làm hòa ». Nhưng, Libération nhấn mạnh, việc đó chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng của đảng này trong khi chỉ còn cách kỳ tranh cử tổng thống có một năm.
Pháp : bạo lực ở trường học
Cuối cùng, La Croix quan tâm đến các vấn nạn ở trường học Pháp với hàng tựa : cứ trên 10 học sinh là có một em là nạn nhân của bạo lực học đường. Hôm qua ở Paris, Quỷ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) công bố kết quả cuộc điều tra về nạn bạo lực học đường ở Pháp. Cuộc điều tra được tiến hành ở 12 326 học sinh tiểu học của 150 trường tại Pháp.
Kết quả là 89% các em cảm thấy « tốt » khi ở trường, còn hơn 10% cho biết đã từng chịu nạn bạo hành thân thế hay lời nói. Trong số các nạn nhân, 6,9% thường xuyên bị đánh và 18% bị bạn mình ép cởi quần áo. Một chuyên gia Pháp đánh giá, đây là một hiện tượng không ầm ĩ, nhưng lại xãy ra hàng ngày. Các quốc gia khác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một tổ chức quốc tế gồm 34 nước thành viên, chủ yếu là các nước phát triển, cũng tiến hành điều tra và cũng cho kết quả tương tự như ở Pháp.
Ngoài những trò bạo hành được xem là « truyền thống », trong thời đại Internet ngày nay, đã xuất hiện nhiều kiểu bạo hành mới, nhất là đối với học sinh từ cấp hai trở lên. Trong đó, đáng kể nhất là việc phát tán lên mạng hoặc điện thoại di động hình ảnh hay những đoạn ghi hình có tính chất nhục mạ nạn nhân. Các nạn nhân thường không dám nói, vì sợ người lớn « tịch thu » máy vi tính hay điện thoại của mình.
Để đối phó với tình hình này, các chuyên gia cho rằng, cần có sự can thiệp ngay ở lứa tuổi nhỏ nhất để giúp học sinh cải thiện cuộc sống cộng đồng trong môi trường giáo dục. Một vấn đề đặc biệt được các chuyên gia nhấn mạnh là : « trường học không chỉ là nơi giảng dạy kiến thức, mà còn là nơi giáo dục công dân, nơi thầy cô rèn luyện cho các em tinh thần tương thân tương ái và biết kính trọng người khác ».
 

No comments:

Post a Comment