Sunday, May 5, 2024

VNTB – Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình – Đồng bệnh tương lân
Hà Nguyên
06.05.2024 1:00
VNThoibao



(VNTB) – Cũng tương tự như láng giềng anh em, tham nhũng đã xâm nhập vào cơ cấu định chế của nhà nước đảng trị của Nguyễn Phú Trọng

 Rào cản tuổi tác và nhiệm kỳ khiến ước muốn chống tham nhũng quyết liệt hơn nữa của ông Nguyễn Phú Trọng đang trở thành chuyển dần thành mối nguy cho việc thanh trừng nhau để tranh giữ quyền lực cao nhất.

Nhiều ý kiến liên tưởng vào thời điểm Tập Cận Bình phát động chiến dịch chống tham nhũng ngay sau khi trở thành Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2012, hầu hết đều nghĩ rằng ông sẽ chỉ thông qua các đề xuất, bỏ tù một số quan chức cao cấp rồi tiến hành công việc như cũ, đâu lại vào đấy thôi. Dù sao, các lãnh đạo tiền nhiệm của ông gần như đã lợi dụng các cuộc điều tra chống tham nhũng để loại bỏ các đối thủ chính trị của mình và củng cố quyền lực.

Song tham nhũng dường chừng đã thấm sâu vào nhà nước đảng trị này đến nỗi nó trở thành chất keo để giữ cho guồng máy khỏi tan rã. Và người ta thấy Tập Cận Bình đã qua những chiến dịch ‘đả hổ’ đó để củng cố ngôi vị “thiên niên trường trị” của mình trên chính trường.

Nói một cách khác là ở Việt Nam và cả Trung Quốc đều hình thành những “nhóm lợi ích” theo nghĩa kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước, và trong đảng cầm quyền; tức một kiểu của chủ nghĩa cộng sản thân hữu.

Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội.

Với sự hậu thuẫn của thể chế chính trị độc tài, quá trình hoạch định chính sách như tự do hóa kinh tế sẽ bị bóp méo một cách độc đoán và có ý đồ tư lợi, khuyết đi những yếu tố khách quan và hợp lý đối với phát triển tổng thể nền kinh tế xã hội. Kết quả là những chính sách này có xu hướng bị một bộ phận doanh nghiệp hoặc cá nhân có quan hệ chặt chẽ với quan chức chính trị lợi dụng vì mục đích riêng; và vấn đề này được khoác áo “định hướng xã hội chủ nghĩa” theo đúng ý chí của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Gần đây chỉ trong vòng một tháng, ông Vương Đình Huệ từ chức sau khi trợ lý của ông, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thái Hà, bị bắt giam và khởi tố vì liên quan đến vụ án tham nhũng của tập đoàn Thuận An. Còn ông Võ Văn Thưởng xin thôi chức ngay sau khi Bộ Công an khởi tố và điều tra vụ án “đưa nhận hối lộ” tại tập đoàn Phúc Sơn.

Liệu đây có phải là một nỗ lực chống tham nhũng hiệu quả trong nội bộ đảng cầm quyền, hay là việc có quá nhiều lãnh đạo cấp cao nói chung tham nhũng dưới một hình thức nào đó, đến mức các phe phái phải dùng chiến dịch chống tham nhũng để loại bỏ kẻ thù của mình?

Cũng tương tự như láng giềng đồng minh, tham nhũng đã xâm nhập vào cơ cấu định chế của nhà nước đảng trị; như người ta thường ví von, nó là chất dầu bôi trơn bộ máy quan liêu bao trùm của thể chế chính trị độc quyền này.

Trung tuần tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Phú Trọng đã bước sang tuổi 80, và ông đang vào những thời gian cuối cùng nắm quyền tối cao trong Đảng khi đã qua 3 nhiệm kỳ liền là người đứng đầu, tức không tuân thủ quy định “Ðồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” được nêu tại Điều 17.1, Điều lệ Đảng.

Và cũng như Tập Cận Bình, người đứng đầu Đảng của Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế tự do của truyền thông và xã hội dân sự hành động như những tổ chức giám sát độc lập của công dân về công cuộc ‘củi – lò’ này.

 


 

No comments:

Post a Comment