Monday, May 6, 2024

VNTB – Mưa rồi, nhưng đừng vội mừng
Dân Trần
06.05.2024 9:19
VNThoibao



(VNTB) – Phải chủ động tìm giải pháp chống hạn lâu dài chứ không thể cứ trông đợi vào ông trời

 Vậy là Sài Gòn và nhiều tỉnh thành miền Nam đã có những cơn mưa đầu tiên sau một thời gian nắng nóng kéo dài. Những cơn mưa vô cùng quý giá và thật sự đã giải nhiệt, giúp người dân có thêm nhiều hi vọng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc giải nhiệt nhờ nước mưa đầu mùa thì được còn giải pháp chống mặn lâu dài vẫn là chuyện phải làm chứ không thể cứ bị động, trông đợi vào ông trời mãi được.

Sau một thời gian nắng nóng kéo dài, ô nhiễm không khí cao, thì nước mưa đầu mùa chắc chắn cũng sẽ ô nhiễm theo. Đặc biệt là những khu vực có nhà máy, khu công nghiệp xả khí độc lên trời trong suốt thời gian dài. Hơi nước kết hợp với khí độc sẽ khiến những trận mưa đầu mùa có hàm lượng axit lớn.

Hơn nữa người dân thường hứng nước trên mái nhà chảy qua máng xối, như vậy thì càng độc hại hơn. Vì mái nhà, máng xối sau một thời gian dài khô hạn thì cũng tích tụ nhiều khói bụi, chất ô nhiễm và vi sinh vật… Cho nên những trận mưa đầu mùa chỉ có thể giúp giảm nhiệt, chứ không thể dùng nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt.

Đợt nắng nóng này cũng cho thấy nhiều yếu kém của cơ quan chức năng trong việc đối phó với hạn mặn và vấn đề biến đổi khí hậu. Chính vì vậy người dân phải chủ động tìm ra những giải pháp để tự cứu mình trong những mùa nắng tiếp theo. Không thể trông chờ vào Đảng và Nhà nước được nữa.

Chuyện trước mắt là phải xây hồ trữ nước ngọt hoặc thùng, bể chứa ngay trong nhà để có nước uống vào mùa nóng như người dân trước đây vẫn có hàng lu trữ nước mưa sau hè. Hoặc nhiều gia đình có thể kết hợp với nhau để xây bể trữ nước lớn cho tập thể. Việc đào ao trữ nước cũng cần được cân nhắc vì khô hạn có thể khiến ao hồ cạn kiệt, nước bốc hơi hoặc rút xuống đất chứ không phải đào ao là có thể trữ được nước qua mùa hạn. Nhưng đây cũng là giải pháp cần thiết để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.

Tiếp theo là việc trồng cây lâu năm để tạo bóng mát, giúp giảm nhiệt độ xung quanh gia đình. Cây lâu năm có khả năng hấp thụ nhiều carbon dioxide và tạo ra bóng mát, giúp làm giảm nhiệt độ không khí và giảm bớt cảm giác khó chịu trong mùa nắng nóng. Cây lâu năm cũng sẽ giúp bảo vệ đất đai, hạn chế việc bốc hơi nước của ao hồ trong nhà. 

Về lâu dài, người dân phải đoàn kết cùng lên tiếng để nhà cầm quyền thay đổi chính sách và sử dụng ngân sách hiệu quả. Hạn hán là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Chống hạn hán, chống biến đổi khí hậu hay chống xâm ngập mặn đòi hỏi những kế hoạch ở tầm vĩ mô. Việc xây dựng chính sách lâu dài để chống lại hiện tượng này là một hướng đi quan trọng để đảm bảo sự bền vững của phát triển kinh tế và xã hội.

Nhà nước cần phải xây dựng và duy trì các hệ thống lưu trữ nước, cải thiện hạ tầng cấp nước, và thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguồn nước. Đồng thời, cần phải tăng cường quản lý sử dụng đất đai và rừng cùng việc giữ lại môi trường tự nhiên để giảm bớt nguy cơ hạn hán. Ngoài ra, phải đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới để đối phó lâu dài với hạn hán. 

Trong khi đó, hồi đầu tháng 3, khi mới vào mùa khô, nơi nhiễm mặn đầu tiên lại là hồ chứa nước ngọt chống mặn do Nhà nước xây dựng. Các công trình thuỷ lợi thì cũng cạn khô khi người dân cần nước nhất. Từ miền Trung tới miền Tây, hầu như tỉnh nào cũng có một vài hồ trữ nước, nhưng dân vẫn khát khô. Hoặc ví dụ hồi năm 2020 hồ Kênh Lấp ở Bến Tre, có kinh phí xây 85 tỷ đồng, chỉ sau 6 tháng đưa vào sử dụng đã nhiễm mặn…

Tức là các công trình chống mặn, trữ nước, chống hạn của Nhà nước hiện nay chẳng những không hiệu quả mà còn gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là chưa kể chuyện mùa khô trữ nước mùa mưa xả lũ cũng khiến cho dân bị thiệt hại tài sản. Thiệt hại ngân sách thì đã đành, mà còn khiến đất đai nhiễm mặn, lũ lụt, hư hại, sai lầm không thể sửa chữa được.

Vậy thì, muốn chống hạn thì tiền thuế phải được sử dụng đúng và hiệu quả. 

Chỉ có những lãnh đạo tài đức do dân bầu ra thì mới lo cho dân, mới sử dụng thuế của dân hiệu quả và phát triển đất nước bền vững

 

 


 

No comments:

Post a Comment