Monday, May 6, 2024

VNTB – Chức trách của Thủ tướng chính phủ là gì?
Nguyễn Huỳnh
06.05.2024 9:22
VNThoibao



(VNTB) – Thủ tướng chính phủ đến dự hội nghị rồi tuyên bố chỉ đạo “nên này – nên nọ”

 Ngày 5-5, tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị lần thứ 3 của hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, “tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả. Đi đôi với đó là cơ chế chính sách thông thoáng, đổi mới, hiện đại, hạ tầng chiến lược phải phát triển nhanh. Đồng thời, cách quản trị phải thông minh, phù hợp với xu thế phát triển mới”.

Chỉ đạo triển khai các dự án cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục chỉ đạo giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong quá trình xây dựng, hình thành Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM.

Về cảng Cần Giờ, cơ sở chính trị, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện thủ tục bổ sung vào quy hoạch cảng biển trong vòng 10 ngày.

Về dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đảm bảo dự án đủ điều kiện để Thủ tướng quyết định chủ trương dự án, hoàn thành trước ngày 15-5.

Về dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan Quốc hội trong quá trình thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới đây.

Thủ tướng yêu cầu cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong năm 2025, khánh thành nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp 30-4-2025 và đẩy nhanh tiến độ một số dự án cao tốc, nhất là tuyến TP.HCM – Biên Hòa – Vũng Tàu.

Như vậy, về cơ bản mọi công việc đều được Thủ tướng giao phó trách nhiệm ngay từ giai đoạn hoạch định ban đầu cho cấp dưới. Vậy thời gian công việc của ông sẽ là gì trong vai trò là đầu lĩnh của bộ máy quản trị hành chính quốc gia?

Có người nhận xét sở dĩ ông Phạm Minh Chính hành xử trong công việc như vậy vì Việt Nam theo mô hình Chính phủ tập thể, với sự minh định vị trí “người đứng đầu” cơ quan hành chính nhà nước cao nhất cho Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, theo Khoản 1 Điều 98 Hiến pháp (năm 2013), Thủ tướng Chính phủ phải “chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của chính phủ”, phải thực hiện sứ mệnh “định hướng”, “dẫn dắt”, “điều hành” chính phủ hoàn thành chức năng, nhiệm vụ.

Với quy định trên có thể hiểu trong trường hợp các phân công của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với các cộng sự về những cụ thể đầu việc, nếu vì lẽ gì đó không hoàn thành thì trách nhiệm giải trình trước Quốc hội hoàn toàn thuộc về Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Từ quan điểm pháp lý trên suy rộng ra về những bê bối trong nội các chính phủ ở khóa các khóa từ sau khi Hiến pháp 2013 hiệu lực đến nay, thì người đầu tiên phải ý thức “tự nguyện từ chức” là Thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên người ta chỉ thấy mới có mỗi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “tự hồi tố” qua việc chủ động từ nhiệm khi ông đang trên cương vị Chủ tịch nước.

Tuy nhiên đến nay người ta không thể áp dụng căn cứ Hiến định như trên vì nội hàm của khái niệm “lãnh đạo công tác” để hiểu chính xác Thủ tướng Chính phủ “lãnh đạo công tác của Chính phủ” thực chất là lãnh đạo cái gì vẫn chưa được xác định.

Bởi “lãnh đạo công tác” là một khái niệm thuộc lĩnh vực chính trị với nội hàm rất rộng, mềm dẻo và linh hoạt. Đồng thời phải phân định rõ những vấn đề nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính phủ, những vấn đề nào Thủ tướng quyết định với tư cách một thiết chế độc lập.

 


 

No comments:

Post a Comment