Saturday, January 28, 2023

EU muốn truy tố, trừng trị hiệu quả các tội ác 'khủng khiếp' trong cuộc chiến ở Ukraine
Reuters
27/01/2023
VOA

Một người mẹ Ukraine khóc con trai bị quân Nga giết hại ở Bucha, ngoại ô Kyiv, hồi tháng 3/2022.

Liên hiệp châu Âu muốn nhanh chóng buộc những kẻ gây ra các tội ác "khủng khiếp" ở Ukraine phải chịu trách nhiệm, các bộ trưởng tư pháp EU cho biết hôm thứ Sáu 27/1, ngay cả khi họ vẫn chưa đồng ý về các biện pháp. Các bộ trưởng đã tranh luận về cách thức truy tố, tìm kiếm bằng chứng hoặc cung cấp ngân quỹ để khắc phục thiệt hại chiến tranh.

27 bộ trưởng tư pháp của khối đã họp ở Stockholm trước ngày 24/2, là thời điểm đánh dấu 1 năm nổ ra cuộc tấn công toàn diện của Nga vào Ukraine.

"Chắc chắn sẽ phải có kẻ chịu trách nhiệm giải trình về những tội ác quốc tế khủng khiếp và sự tàn bạo mà chúng ta đang chứng kiến ở Ukraine... đó là những tội ác chiến tranh rõ ràng và hiển nhiên", Bộ trưởng Simon Harris của Ireland nói.

Các bộ trưởng đã thảo luận về việc thu thập bằng chứng cũng như thành lập một tòa án quốc tế mới để truy tố cuộc xâm lược của Moscow.

Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer nhấn mạnh: "Không kẻ nào phạm loại tội ác chiến tranh này mà lại được tự do. Điều rất, rất quan trọng là chúng ta phải tìm cách quy trách nhiệm cho những kẻ chịu trách nhiệm".

"Câu hỏi đặt ra là làm thế nào chúng ta có thể giải quyết vấn đề này một cách thiết thực và hiệu quả", vẫn lời vị bộ trưởng.

Căn cứ vào những sự kiện trong quá khứ, có thể thấy việc thực thi công lý chắc chắn sẽ phức tạp và kéo dài.

Một tòa án đặc biệt được thành lập ở Hà Lan để truy tố vụ bắn hạ chuyến bay chở khách MH17 bay qua miền đông Ukraine vào tháng 7/2014, khi Nga tấn công lớn vào nước láng giềng ở thời điểm đó. Phải tới tận tháng 11/2022 tòa mới đưa ra phán quyết.

Tòa án đã kết tội ba người đàn ông và kết án chúng tù chung thân vì đã giúp vận chuyển một hệ thống tên lửa quân sự của Nga được sử dụng để bắn hạ máy bay. Tất cả 298 người trên máy bay đều thiệt mạng.

Nỗ lực liên quan đến việc truy tố ba cá nhân ở cấp thấp này, và những kẻ này vẫn chưa bị bắt, chỉ có quy mô rất nhỏ bé so với tham vọng cần thiết để truy tố Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức quân đội hàng đầu của Nga vì đã gây ra chiến tranh.

Cuộc xâm lược của Nga đã giết chết hàng nghìn thường dân, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và biến các thành phố thành đống đổ nát. Theo Liên Hiệp Quốc, các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, bao gồm cả các cơ sở năng lượng, có thể là tội ác chiến tranh.

Để bồi thường cho thiệt hại, EU cũng đang xem xét sử dụng các tài sản của Nga bị đóng băng theo các lệnh trừng phạt, đây là một cuộc thảo luận pháp lý phức tạp khác diễn ra hôm 27/1.

EU hiện tin rằng họ nắm được khoảng 33,8 tỷ euro (37 tỷ đô la) trong tổng số ước tính khoảng 300 tỷ đô la tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị phong tỏa ở nước ngoài, một quan chức EU nói với Reuters, nhấn mạnh rằng những con số này vẫn chỉ là ước tính sơ bộ.

(Reuters)

No comments:

Post a Comment