VNTB – Quốc hội bù nhìn: 96,4% ĐBQH tán thành sáp nhập tỉnh thành theo ý Tô Lâm
Dân Trần
14.06.2025 5:42
VNThoibao

Vậy là chuyện mà ai cũng biết trước nay đã thành sự thật, Quốc hội CSVN tán thành thông qua nghị quyết sáp nhập 63 tỉnh/thành hợp lại còn 34. Con số cũng như thường lệ là 96,4% ĐBQH nhấn nút biểu quyết đồng ý.
Sỡ dĩ chuyện này không mới là vì chuyện sáp nhập này người dân đã biết từ nhiều tháng qua, đã được Bộ Chính trị CSVN quyết định từ đầu năm. Cũng giống như những lần Quốc hội bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, dân đều biết trước thông tin từ rất lâu, bởi mọi thứ đều được Bộ Chính trị chỉ định từ trước.
Và con số trên 96% đại biểu nhấn nút cũng rất quen thuộc. Dư luận còn đồn rằng mấy phần trăm còn lại là bắt buộc phải không tán thành để ra con số đẹp, dễ nhìn, dễ mị dân, chứ nếu cứ 100% thì nhìn “không được dân chủ cho lắm”. Dĩ nhiên, dân chủ hay không thì người dân, đảng viên, và cả các ĐBQH cũng thừa biết. Nước độc tài nào cũng tự nhận là dân chủ và cũng thấy những con số từ 90% tới 99% này.
Dần dần thì dân cũng quen với những thứ giả tạo này. Nhưng chuyện xấu, chuyện sai, chuyện ai cũng biết mà im lặng chấp nhận vì cứ nghĩ rằng, nói ra cũng không được gì thì càng ngày xã hội sẽ càng tệ. Những tiếng nói nhỏ lẻ, dù không thể thay đổi cục diện chính trị vĩ mô, nhưng nó cho thấy là vẫn có người dám nói, dám viết, dám lên tiếng cho đất nước này. Và Việt Nam Thời Báo càng phải lên tiếng.
Quốc hội vốn được Hiến định là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, có quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, Hiến pháp cũng quy định ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan…
Nhắc lại Hiến pháp để thấy rằng Quốc hội và ĐBQH đã vi phạm Hiến pháp (do chính họ viết ra) một cách trầm trọng. Họ không hề trưng cầu dân ý, không hỏi ý kiến người dân một cách minh bạch, trung thực theo Hiến định. Mà chỉ là bù nhìn cho Bộ Chính trị CSVN. Nói Bộ Chính trị thì rộng, nhưng thực ra Bộ Chính trị cũng nằm trong tay một vài người. Thời Nguyễn Phú Trọng thì Quốc hội phải bỏ phiếu theo ý ông Trọng và phe sĩ phu Bắc Hà, tới thời Tô Lâm thì Quốc hội phải làm theo chỉ đạo của họ Tô và phe Hưng Yên.
Quay lại chuyện sáp nhập, đổi tên tỉnh thành. Chuyện này đã sai ngay từ đầu vì không hỏi ý dân, không tham khảo ý kiến chuyên gia mà do Tô Lâm tự tiện quyết định. Cũng không nhìn lại lịch sử địa lý.
Ví dụ Bình Dương và Bình Phước ngày xưa vốn là tỉnh Sông Bé, nếu giờ nhập lại như cũ thì dân cũng thuận lòng. Nhưng đằng này Bình Dương lại nhập với Thành Hồ và Bà Rịa – Vũng Tàu, còn Bình Phước lại nhập với Đồng Nai. Hay như quê ông Tô Lâm, tỉnh Hưng Yên ngày xưa là tỉnh Hải Hưng (hợp giữa Hưng Yên và Hải Dương). Nhưng giờ Hưng Yên lại hợp nhất với Thái Bình, còn Hải Dương sáp nhập với Hải Phòng.
Thế nhưng trên các phương tiện truyền thông thì vẫn đưa tin là dân đồng tình, dân ủng hộ…. Dân Việt Nam bây giờ có ai dám phản đối, vì cứ mở miệng phản biện là lên đồn nộp 7,5 triệu, hoặc đi tù. Đúng ra các ĐBQH phải lên tiếng vì dân vì nước, bảo vệ tiếng nói phản biện của người dân và góp phần xây dựng nền tảng quốc gia. Mà đằng này 96,4% lại tán thành theo ý Tô Lâm, thì chẳng những là bù nhìn, mà còn là một đám hại dân hại nước.
No comments:
Post a Comment