Nguyễn Văn Tuấn – « Đâm » hay « Đụng » ? Khi tiếng Việt bỗng dưng thích… xài dao !
jeudi 22 mai 2025
Thuymy
Không phải vì vụ tai nạn kinh hoàng, mà vì cái chữ « đâm » kia.
Ủa, tàu bự tổ chảng vậy mà « đâm » cái gì nổi ? Tui tự hỏi, tiếng Việt mình giờ sao mà… hung dữ thế ?
Ngày nay, báo chí trong nước sao mà mê chữ « đâm » như mê trà sữa. Cứ mở báo ra là thấy:
« Chiếc Mercedes do nữ tài xế điều khiển đã đâm vào khoảng 10 xe máy »
« Tàu container Dali đâm sập cầu »
« Cầu vượt đi bộ tại TPHCM bị xe đâm sập »
Vân vân.
Mỗi lần đọc mấy cái tít này, tôi tưởng tượng cảnh xe hơi mọc mũi nhọn, tàu container cầm cây lao, còn cầu vượt thì… né không kịp.
Nhưng khoan, « đâm » là gì ?
Theo từ điển, « đâm » là dùng vật nhọn (kiểu dao, kim) để chọc thủng cái gì đó. Ví dụ : bị kim đâm vào tay, máu chảy tùm lum. Còn vài ví dụ kinh khủng hơn mà tôi không dám viết ra ở đây. Nghe bạo lực chưa ? Vậy mà giờ người ta xài « đâm » để tả tai nạn giao thông, như thể xe hơi với tàu thuyền biết chơi kiếm đạo !
Trong khi đó, tiếng Việt mình có những từ nhẹ nhàng, lịch sự hơn như « đụng » hay « va chạm ». Ở miền Nam, bà con vẫn hay nói : « Ủa, hai xe đụng nhau ngoài ngã tư kìa ! ». Chớ ai mà đi nói « Hai xe đâm nhau » đâu, nghe cứ như phim hành động Hollywood !
Tiếng Anh cũng vậy, người ta dùng bump hoặc collide để đề cập đến tai nạn xe hơi, chớ ai rảnh đâu mà lôi stab hay puncture (nghĩa là đâm) ra xài. Xe hơi, tàu thuyền đâu phải dao găm mà « đâm » nhau được, đúng hông ?
Vậy tại sao « đâm » lại lên ngôi ? Có phải báo chí thích giật tít cho kêu, cho drama ? Ủa quên, cho kịch tính. Hay tại mình vô tình để ngôn ngữ nhiễm tính bạo lực ? Dùng « đâm » không chỉ sai ngữ nghĩa mà còn khiến câu chuyện nghe căng thẳng hơn cần thiết.
Thử tưởng tượng, thay vì « Tàu Hải quân Mexico đâm cầu Brooklyn », chúng ta viết « Tàu Hải quân Mễ Tây Cơ va chạm cầu Brooklyn ». Nghe dịu hơn hẳn, như đang kể chuyện tai nạn chứ không phải kể chuyện chiến tranh.
Đáng buồn hơn, cái thói quen dùng « đâm » này còn lây sang cả người Việt ở nước ngoài. Những nhóm như BBC và RFA bây giờ cũng bắt chước dùng từ bạo động như vậy. Anh Sean Le chắc cũng bị « nhiễm » từ báo đài trong nước, nên mới hồn nhiên dùng từ nghe muốn xỉu.
Tôi tự hỏi, sao không viết đơn giản như :
* Xe Mercedes của chị tài xế đụng phải 10 xe máy.
* Tàu container Dali va chạm làm sập cầu.
* Cầu vượt đi bộ ở Sài Gòn bị xe đụng sập.
Nghe vừa đúng, vừa nhẹ nhàng, không cần phải biến hiện trường tai nạn thành phim ... John Wick !
Nói đi cũng phải nói lại, ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu cách mình suy nghĩ. Nếu ngày nào cũng « đâm » tới « đâm » lui, liệu có khi nào mình vô tình khiến mọi thứ trở nên căng thẳng hơn ?
Tai nạn giao thông đã là chuyện buồn, sao không chọn cách nói nhẹ nhàng hơn, vừa chính xác vừa bớt « máu me » ? Tôi đề nghị từ nay mình thử tập dùng « đụng », « va chạm » thay cho « đâm ». Biết đâu, ngôn ngữ dịu đi, tâm hồn mình cũng bớt… xô bồ !
Còn bạn, bạn thấy sao ? Có muốn cùng tôi « đụng » nhẹ vào hành trình làm đẹp tiếng Việt không ?
NGUYỄN VĂN TUẤN 20.05.2025
No comments:
Post a Comment