Nghịch nướcNguyễn Hoàng Văn
21-5-2025
Tiengdan
Ấy trước ông cha mua để lại
Mà sau con cháu lấy làm chơi
(“Vịnh Bức Dư Đồ Rách”, của Tản Đà, năm 1921)
Không phải những em bé vô tư cười như nắc nẻ bên mấy vòi nước đang bắn ra tung tóe mà là những chính trị gia oai vệ bên những xấp hồ sơ dày cộm việc nước. Mặt mày nghiêm trọng, hai hàm răng nghiến chặt, họ không hề đùa thế nhưng cũng chẳng khác gì đang nghịch, với những việc nước cũng bắn tung, bắn tóe.
Như cái sự “tung tóe” của những diên cách địa lý mà con cháu sau này, trăm năm hay ngàn năm sau, khi tìm về cội nguồn, sẽ lắc đầu thắc mắc, tại sao đất nước lại có một cái thời như thế. Nước non thấm máu tổ tiên mà mỗi địa danh là cả một trầm tích lịch sử với những hồn cốt văn hóa, thế nhưng, trong cái trầm tích sâu dày này, lại lạc loài một cái “vỉa” nhàn nhạt và vô duyên, vô lý và vô lối, cực kỳ tùy tiện.
Đó chính là thời của chúng ta khi nước non ngàn dặm mà chẳng khác gì đồ chơi sắp hình của trẻ em, chán hình này thì xóa, sắp thành hình khác, xóa sắp và xóa sắp, cơ hồ không dứt. Đất nước đang bị nghịch một cách vô tội vạ và trước đợt “nghịch” hiện tại thì trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ, đã tung tóe như thế đến những tám lần.
Như thể là một biến tấu từ câu chuyện thần tiên “Cây tre trăm đốt”. Hô “khắc nhập, khắc nhập” thì cây tre 72 đốt – như là 72 tỉnh/ thành vào năm 1975 – biến thành cây tre 38 đốt. Chán 38 đốt thì “khắc xuất, khắc xuất” để dày ra với 39, 40, 44, 53, 61, 63 rồi, bây giờ, sau khi ê chề với “xuất” lại quay về với “nhập” để, từ 63 đốt, đất nước sẽ chuyển mình gọn ghẽ với 34 đốt! [1].
Họ làm chúng ta nghĩ đến những “cải cách” xoành xoạch trong giáo dục, từ chữ viết đến chương trình, từ cách thi cử đến việc phân ban, biên soạn sách giáo khoa v.v… Cải cách, cải cách nữa, cải cách mãi. Cải cách vô tội vạ. Cải cách từ lớp một đến lớp mười hai mà, nếu không ổn thì, tròn một vòng thập nhị niên, lại cải cách tiếp, bắt đầu từ lớp một. Như cuộc cải cách chữ viết, một phần trong chương trình cải cách giáo dục từng quảng bá rất xôm tụ vào đầu thập niên 1980.
Tôi còn nhớ, rất rõ, vào thời ấy, từ trên truyền hình, một trong những tác giả của cuộc cải cách thao thao bất tuyệt về thứ chữ viết “hiện đại, phù hợp với tác phong công nghiệp trong thời đại mới”, nói là xây dựng dựa trên sự tham khảo rất nhiều chữ viết, đặc biệt là chữ Nga. Họ đi trước thời đại đến độ những học trò mẫu giáo, để “phù hợp với tác phong công nghiệp, phải thao tác như một cái máy in 3-D dẫu nó chưa ra đời: Chỉ để viết một từ đơn giản thôi, các em phải ngắt nét và nhấc bút đến mấy lần khi phải bỏ đi nét hất, nét sổ bởi chữ viết phải đơ cứng như… in. Rồi trật tự a, b, c quen thuộc, một cách trái khoáy, bị chuyển hóa thành e, b, c, a v.v…
Với kiểu cải cách quái gỡ này thì không phải đợi lâu, phải tròn một chu kỳ 12 lớp mà, chỉ vài năm thôi, khi cả thầy lẫn trò đều mệt mỏi với lối tra tấn “tác phong công nghiệp”, chương trình đã bị khai tử không có đám ma, trong khi những nhà cải cách mạnh mồm ngày nào thì im thin thít như những tên đào ngũ.
Bây giờ là công cuộc “khắc nhập” đang gây nhốn nháo mà lý do, nói theo nhà văn trào phúng Thỗ Nhĩ Kỳ Aziz Nesin “Nước thế mới gọi là nước”: Do nhiều tỉnh/ thành không đủ “tiêu chuẩn về dân số và diện tích” [2], thì phải sắp xếp lại để tạo dựng cho chúng một… “dáng đứng tỉnh/ thành”. Nhưng đây, bất quá, chỉ là tiêu chí định lượng. Cao hơn mấy bậc là tiêu chí về phẩm chất của dịch vụ công, của năng lực quản trị tài nguyên, của sự an toàn và công bằng xã hội, của khả năng ứng phó với tình trạng khẩn cấp hay dự phóng cho tương lai v.v…
Như thế, nếu đã đặt vấn đề “dáng đứng tỉnh/ thành” thì cũng phải nhìn cao hơn với “dáng đứng chính quyền” để, nói theo Nesin, có được một nước đáng gọi là… nước. Nhưng chỉ xoàng xoàng là tiêu chí định lượng thôi cũng khó mà chiêm ngưỡng được, bởi, đã qua tám đợt đầy hoang phí mà sao vẫn phải hoang phí? Bao nhiêu trụ sở sẽ bị bỏ hoang? Bao nhiêu “nội lực” sẽ bị vung vít vào việc chính trị bè phái khi guồng máy bị tinh giản? [3] Và bao nhiêu phiền toái sẽ ập lên đầu người dân khi phải thay đổi giấy tờ?
Cả từ phần nổi nhất của cuộc cải cách định lượng này, vấn đề danh tính, vẫn không thấy được “dáng” ấy nên nhiều thức giả mới trăn trở, lên tiếng [4]. Mỗi địa danh, như đã nói, là cả một trầm tích lịch sử với những hồn cốt văn hóa nhưng việc giản lược lại quá tùy tiện khiến thế hệ sau, nếu nhìn lại, sẽ não nề thất vọng.
Nếu sự tùy tiện có thể là di căn của não trạng tiểu nông thì vấn đề còn có thể là hệ lụy của những tranh đua chính trị gay gắt theo tinh thần địa phương chủ nghĩa, như có thể thấy từ Quảng Nam, là vùng đất sẽ bị mất tên khi phải “khắc nhập” vào Đà Nẵng.
Như hai cái tên, Quảng Nam và Đà Nẵng đều có trầm tích lịch sử của riêng mình, nhưng hiện tại khi hồn cốt văn hóa trong cái tên Quảng Nam bị gạt qua một bên thì liệu, sự thể, có dây dưa gì với tình thế bất an của nhà chính trị đình đám nhất đất Quảng thời đương đại, ông cựu thủ tướng và chủ tịch, hiện đang thúc thủ dưới cái bóng đè của lưỡi gươm Damocles?
Hãy nhớ lại lúc Quảng Nam, như một trong những tỉnh nghèo nhất nước, vắt kiệt tài nguyên, để dựng lên pho tiểu tự sự bằng đá, “Mẹ anh hùng” với niềm tự hào “to nhất Đông Nam Á”. Để đề cao tính chính danh thì nhà cầm quyền nào cũng kể lể “công lao lịch sử”, hay nói cách khác là nhấn mạnh đến pho “đại tự sự” của mình. Cũng một ý đồ như thế, vùng miền nào cũng tìm cách để đề cao “tiểu tự sự” của riêng mình.
Và hãy nhớ lại không khí nóng bỏng của vũ đài chính trị quốc gia theo cuộc cạnh tranh trong mô thức phân quyền Bắc – Trung – Nam ở cơ cấu quyền lực cao nhất, giữa hai nhân vật đình đám của hai vùng đất. Để nhấn mạnh tư thế “đại diện miền Trung” thì phải khai thác đến mức tối đa “tiểu tự sự” của mình. Nếu “tiểu tự sự” của Đà Nẵng được cụ thể hóa ở tượng Mẹ Nhu bằng đồng, chỉ tay ra biển từ thì, đối lại, Quảng Nam cũng phải, mọi giá, phải có một “Mẹ” như thế, phải hơn chứ không thể nào bằng, đừng nói là thua.
Đây là phân tích mà tôi đã đưa ra trong “Quảng Nam, tiểu tự sự của một tiểu cộng hòa xã hội chủ nghĩa”, khi tượng đài khánh thành vào năm 2015:
“Thì hãy tạm chấp nhận lý sự của những nhà tuyên truyền tỉnh lẻ rằng bà mẹ liệt sĩ ấy đã mất mát quá lớn, rằng tượng đài thể hiện một ý nghĩa lịch sử, một bài học để nhắc nhở tương lai phải nhìn về quá khứ. Nhưng nếu đã nêu ra một ý nghĩa xuyên suốt lịch sử như thế thì hãy tạm tưởng tượng đất Quảng cái ngày thực sự xứng danh “đất linh” và “đất học”, một trung tâm học thuật mà đến mùa thi, sĩ tử toàn quốc và thậm chí cả từ các nước lân cận nườm nượp kéo về; một trung tâm khoa học hay tài chính mà những nhân tài xuất chúng tìm về để thi thố, nghĩa là một Quảng Nam có thừa tư cách và tài nguyên để sở hữu một công trình mỹ thuật mang tính lịch sử với kích thước “hàng đầu”.
Nhưng cả khi đó thì người con xứng đáng nhất để vinh danh phải là một nhân vật với tầm cỡ quốc gia như Phan Chu Trinh, nhà văn hoá và nhà ái quốc vĩ đại với một nhân cách vĩ đại mà cái chết vào năm 1926, dẫu bị cấm đoán và đàn áp, đã tự động trở thành quốc tang, gây ảnh hưởng cả một thế hệ và hâm nóng lên cả một phong trào yêu nước. Nhưng quan trọng hơn là tầm nhìn của Phan Chu Trinh. Đất Quảng chỉ có thể khá lên một khi đất nước đã khá lên. Mà muốn khá lên như thế thì đất nước hẳn đã chọn con đường mà ông đã vạch ra cách đây trên một thế kỷ là chấn hưng dân khí và dân trí để tự lực, tự cường: “Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học”.
Nhưng thay vào đó là là một “Mẹ anh hùng”, của một vùng đất có đến 11.677 mẹ anh hùng. Đó là những bà mẹ đáng thương trong một cuộc chiến đáng tiếc, cái cuộc chiến mà mãi tới nay, 50 năm sau ngày kết thúc, hệ thống chính trị chủ xướng vẫn ấp a, ấp úng, không dám nói ra sự thật cho dù sự thật ê chề ấy đã phơi bày rành rành.
Cuộc chiến bị phát động theo sự giật dây của Trung Quốc, như một hình thức “phên dậu”. Cuộc chiến lại diễn ra với niềm tin tưởng tuyệt đối vào tình hữu nghị của kẻ xúi bẩy thâm độc ấy. Và cuộc chiến lại diễn ra với dự phóng ngất ngây về một tương lai hậu chiến với hình ảnh của một Việt Nam rạng rỡ theo mô hình Liên Xô, là thứ đã bị đào thải trong trong hố rác của lịch sử. Những bà mẹ đáng thương, như thế, không chỉ là những nạn nhân đau đớn, mà còn là một sản phẩm oan khiên của một chọn lựa “tất chết” và “tất ngu”. Chọn một biểu tượng đau đớn và oan khiên như thế, thực chất là chọn lựa của chủ nghĩa ăn vạ và chủ nghĩa công thần.
Nếu kẻ công thần nằng nặc đòi hỏi phải đền đáp xứng đáng cho công trạng của mình thì kẻ ăn vạ gân cổ làm toáng lên về những mất mát của mình. Khi “phì đại hoá” nỗi đau riêng của một bà mẹ như thế, cái chính quyền con của đất Quảng Nam đã ăn vạ với cái chính quyền mẹ về những mất mát chung cho vùng đất của mình, cái vùng từng được khoác cho danh hiệu “đi đầu diệt Mỹ”.
Nếu mất mát riêng của bà mẹ là bằng chứng cao nhất cho những thương đau mà vùng đất đã gánh chịu thì cái thông điệp về sự “đền đáp xứng đáng” với bà cũng ngụ ý một thông điệp song trùng về một sự “đền đáp” xứng đáng về chính trị hay kinh tế cho cả vùng đất…” [5]
Khi tượng đài dựng lên, hoành tráng, như là tiểu tự sự của vùng đất thì con của Mẹ, nhà chính trị đất Quảng nói trên, cũng hoành tráng nổi lên trong tư thế đại diện cho một vùng đất đầy công lao ở cơ cấu quyền lực cao nhất. Và bây giờ, khi ông ta đã bị knocked out ra khỏi vũ đài một cách nhục nhã thì, phải chăng, tư thế “đại diện” của vùng đất này cũng bị knocked out theo trong việc chọn tên?
Đó, dẫu sao, chỉ là giả thuyết của riêng tôi. Nhưng rõ ràng là, nếu sau mỗi cái tên là cả một tự sự, một hồn cốt văn hóa, thì sau mỗi quyết định xóa tên, chắc hẳn phải có những uẩn khúc thế sự và những toan tính chính trị nào đó chứ? Và trong cái uẩn khúc này, Mẹ Thứ ở Quảng Nam, dẫu “to nhất Đông Nam Á”, đã bị Mẹ Nhu qua mặt.
Mẹ Nhu đang sừng sững ở Đà Nẵng với cánh tay chỉ về hướng biển. Và nếu Tố Hữu, vào tháng 8 năm 1945, trên đường từ Việt Bắc trở về Hà Nội, vô cùng lạc quan và tự tin “Chí ta lớn như biển Đông trước mặt!” thì bây giờ, xem ra, nếu còn lại, “chí” ấy cũng chỉ “lớn” như những “resort trước mặt” là cùng. Những bờ biển đẹp nhất, đáng tự hào nhất, và cả xung yếu nhất, không chỉ của Đà Nẵng mà là bao nhiêu thành phố khác, đang ken dày những “khu nghỉ dưỡng” nước ngoài và đây, xét cho cùng, cũng là một trò nghịch nước.
Nước non đã và đang bị đùa nghịch với những dự án tùy tiện, kém bền vững, không mảy may chú ý đến đến những tác hại xã hội và môi trường, đến cái giá mà thế hệ tương lai phải trả. Đất nước, qua những trò nghịch như thế, đã trở thành dung nhan của những người đàn bà nạ dòng thừa tiền nhưng thiếu tự tin về nhan sắc, nên liên tiếp vung tiền cho lưỡi dao thẩm mỹ. Xẻo chỗ này chán thì đắp chỗ kia, xẻo đắp mãi cho đến giới hạn cuối cùng, bị… xì ra thì mới giật mình báo động để tự hạ giá, xoay chuyển từ mục tiêu “phải đẹp hơn” thành “không được xấu hơn”.
Đất nước bây giờ, xem ra, cũng bị mắc bẫy trong cái khó đó, khi bất cứ ai, nếu có một chút tấm lòng với nước non, cũng đều chạnh lòng như là Tản Đà của hơn một thế kỷ trước khi đối diện với tấm dư đồ rách, để rồi xót xa là phải giữ làm sao để nó đừng rách nát, bệ rạc thêm.
Tham khảo:
1. https://luatvietnam.vn/hanh-chinh/nhung-lan-sap-nhap-va-chia-tach-tinh-thanh-570-101445-article.html
2. Tôi thuật lại theo trí nhớ, từ cuốn “Những người thích đùa” của Aziz Nesin, bản dịch Lê Huy Viễn.
3. Nhà báo Bùi Tín đã đề cập đến điều này trong cuốn Hoa Xuyên Tuyết, Chương II, “Nhìn nhận”:
“Trong xây dựng đất nước ông (Lê Duẫn) ít có sáng kiến đáng kể. Đến nay người ta vẫn còn kêu về ông, nhất là về hai chủ trương ghép một số tỉnh và lấy huyện làm đơn vị chiến lược về kinh tế. […] Việc hợp tỉnh rất tốn kém, lại gây nên mất đoàn kết kéo dài. Bí thư với phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, các giám đốc sở xếp rất gay go. Phải mặc cả tỉnh cũ này giữ ghế này, tỉnh cũ kia giữ ghế kia cho thăng bằng! Rồi ông này bênh tỉnh cũ của mình, bà kia “trù” cán bộ của tỉnh (cũ) kia cứ như thế công việc lằng nhằng, chỉ đối phó nhau trong nội bộ đã mất thời gian và mất sức!”
https://vntrungtam.info/thuvien/sach/hoa-xuyen-tuyet
4. https://boxitvn.online/?p=93554
https://luatkhoa.com/2025/05/nhap-tinh-bo-huyen-gop-xa-va-nhung-dau-hoi-lon/
5. https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=18730
No comments:
Post a Comment