Thursday, July 18, 2024

Hội Nghị Trung Ương 3: Một bước đột phá để vực dậy kinh tế Trung Quốc?
Thanh Hà
Đăng ngày: 18/07/2024 - 15:10Sửa đổi ngày: 18/07/2024 - 15:16
RFI

Hội Nghị Toàn Thể Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc bế mạc hôm nay, 18/07/2024. Theo thông cáo chung, trong ba ngày họp vừa qua, 205 đại biểu đã tập trung vào hai mục tiêu : tăng cường an ninh quốc gia và khai thác công nghệ cao để đưa Trung Quốc trở thành một nền « kinh tế xã hội chủ nghĩa hiện đại ».

Trên màn ảnh lớn: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự Hội nghị Trung ương 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 18/07/2024. REUTERS - Tingshu Wang

Hãng tin Mỹ AP cho biết ngày mai Trung Quốc sẽ tổ chức họp báo và có thể sẽ đi sâu hơn vào chi tiết về đường hướng kinh tế được đưa ra tại Hội Nghị 3 khóa 20. Hội nghị năm nay đã diễn ra « trễ hơn dự kiến » trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang đi tìm một sức bật mới, phương Tây càng lúc càng khép chặt những cánh cửa cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận với công nghệ mũi nhọn của Âu Mỹ.

Thông cáo kết thúc Hội Nghị nêu bật « rủi ro đối với kinh tế nước nhà xuất phát từ khủng hoảng địa ốc và một số mối đe dọa khác ». Văn bản đặc biệt chú ý đến « ưu tiên giảm nhẹ gánh nặng nợ nần của các chính quyền cấp địa phương ». Đúng như dự báo, Ban Chấp Hành Trung Ương cam kết « mở cửa đón đầu tư nước ngoài và cải thiện môi trường kinh tế ». Tuy nhiên, văn bản được công bố hôm nay không quên nhấn mạnh đến « vai trò chủ đạo của Đảng đối với các doanh nghiệp, đối với các hoạt đông tài chính và kể cả đời sống xã hội », tránh để xảy ra những « rủi ro về mặt ý thức hệ ».

Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Rabobank, Teeuwe Mevissen, được AP trích dẫn, nói đến một sự mâu thuẫn trong bản tuyên bố chung kết thúc Hội Nghị 3 giữa các mục tiêu của Trung Quốc để vực dậy kinh tế. Đặc biệt là trong bối cảnh mà các kế hoạch kích cầu gần đây dường như vẫn không đem lại kết quả mong đợi. Thí dụ như chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng, khuyến khích dân chúng mua nhà, mua xe hơi, thế nhưng thị trường địa ốc Trung Quốc trong năm qua giảm 27 %, và số lượng xe hơi bán ra trên thị trường nội địa trong tháng 6 năm nay giảm hơn 6 % so với cùng kỳ năm ngoái.

Câu hỏi còn lại là Đảng Cộng Sản Trung Quốc có phép lạ nào hay không để khởi động lại cỗ máy tiêu thụ nội địa, tại một quốc gia mà dân chúng có thói quen để dành tiền tiết kiệm phòng thân ? Giới phân tích do vậy đồng loạt cho rằng Bắc Kinh « bắt buộc phải ban hành những biện pháp cải tổ sâu rộng » để khôi phục lòng tin của gần 1,5 tỷ dân. Vậy phải chăng hội nghị trung ương vừa kết thúc cũng là một cột mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế Trung Quốc từ thời ông Đặng Tiều Bình ?

Hội nghị trung ương năm 1978 là thời điểm ông Đặng Tiểu Bình khởi động công cuộc « Cải tổ và mở cửa » kinh tế Trung Quốc. Một Hội Nghị 3 đáng ghi nhớ khác là vào năm 1993 (khóa 14), khi Bắc Kinh đưa ra khái niệm « một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ». Vậy có thể chờ đợi gì từ hội nghị vừa kết thúc sáng nay ? Phải đợi ít nhất sau cuộc họp báo ngày mai mới có thể tìm được một vài yếu tố để trả lời câu hỏi này.

Dù vậy, trước ngày Ban Chấp Hành Trung Ương họp hội nghị, hai chuyên gia Mỹ Nathalie Sher và Ray Wang, trên báo mạng Nhật Bản The Diplomat (ngày 12/07/2027), dự báo ông Tập Cận Bình có thể sẽ tỏ ra « uyển chuyển hơn một chút » trong chính sách kinh tế, bởi vì thứ nhất, cỗ máy tăng trưởng tại quốc gia này đã bị chựng lại từ sau đại dịch, thứ hai, ý thức được điều này, Bắc Kinh đã liên tục đưa ra các biện pháp điều chỉnh để kích cầu và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ cao, xem đây là lực đẩy mới cho toàn bộ cỗ máy kinh tế đồ sộ của nước này.

Cuối tháng 4/2024, Bộ Chính Trị Trung Quốc đã mượn lại khẩu hiệu của ông Đặng Tiểu Bình « cải tổ và mở cửa kinh tế » và đấy phải là công cụ phục vụ lợi ích của Đảng và nhân dân ». Hai đồng tác giả bài tham luận gần như chắc chắn là ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình cải tổ.

Thế nhưng, cải tổ theo hướng nào thì lại là chuyện khác. Các nhà quan sát chờ đợi là Đảng Cộng Sản Trung Quốc hướng về giải pháp « mở cửa kinh tế » và có vẻ là sẽ tin tưởng hơn vào lĩnh vực kinh tế tư nhân. Song, sau hơn một chục năm cầm quyền, Tập Cận Bình vẫn là một ẩn số đối với nhiều nhà quan sát. Năm 2013, khi diễn ra Hội Nghị Trung Ương 3 đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Dan Rosen, thuộc công ty tư vấn độc lập Rhodium Group đã từng hào hứng trước viễn cảnh dưới sự dẫn dắt của ông Tập, Trung Quốc sẽ tiến hành những cuộc cải tổ sâu rộng. Nhưng một thập niên sau, đồng sáng lập viên công ty tư vấn này đã thất vọng. Năm 2023, Dan Rosen nhận định « 60 quyết định của Hội Nghị Trung Ương 2013 » nay chỉ còn trên giấy tờ và Tập Cận Bình là một « nhà cải cách thất bại » 

No comments:

Post a Comment