Chiến tranh Ukraina : Nga biến nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia thành « nơi tra tấn »
Phan Minh
Đăng ngày: 06/10/2023 - 16:49
RFI
Bảo vệ Nga tại nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia, Ukraina. Ảnh ngày 21/05/2022. AP
Về tình hình tại Ukraina, tờ Libération có bài viết nói về nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia đã trở thành một « nơi tra tấn » kể từ khi Nga chiếm đóng cơ sở này. Tổ chức phi chính phủ Truth Hounds của Ukraina tiết lộ thông tin là các cơ quan an ninh Nga, với sự đồng lõa của cơ quan hạt nhân Nhà nước Nga Rosatom, đã biến nhà máy điện hạt nhân ở phía đông nam Ukraina thành một « nơi tra tấn » như thế nào.
Nhật báo thiên tả nhấn mạnh, kể từ khi Rosatom tiếp quản nhà máy Zaporijjia, nơi có 11.000 nhân viên Ukraina làm việc trước khi chiến tranh nổ ra, nhà máy này đã bị kiểm soát bởi hàng loạt cơ quan an ninh của Nga : Tổng cục An ninh Liên Bang Nga (FSB), lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga (Rosgvardia) hay các biệt đội Chechnya.
Nick Yurlov, tác giả của báo cáo dài 58 trang liên quan đến hồ sơ nói trên giải thích với Libération rằng Truth Hounds đã thu thập lời khai của 14 nhân chứng, nhân viên nhà máy và cả cư dân của thị trấn Enerhodar. Theo ông Yurlov, đã có 30 nạn nhân được xác định và một số người đã trốn thoát được, nhưng nhiều người khác vẫn bị giam giữ và thể hiện lòng dũng cảm đáng kinh ngạc khi trả lời Truth Hounds, bất chấp nguy hiểm. Những người này đã cung cấp lời khai chi tiết, giải thích những gì họ đã nhìn thấy hoặc phải hứng chịu : tra tấn, đối xử vô nhân đạo và điều kiện giam giữ man rợ.
Hầu hết những nạn nhân trả lời phỏng vấn đều được ẩn danh vì lý do an toàn. Một nhân chứng có biệt danh Victim-26026 cho biết rằng từ ngày 04/03/2022, các nhân viên nhà máy « đã dần biến mất ». Victim-26026 bị bắt giữ bởi các quân nhân mà anh xác định thuộc FSB. Những người này yêu cầu anh « ký vào một bản thú tội ». Anh từ chối và sau đó bị đưa vào rừng và đánh đập.
Nhật báo thiên tả nhận định rằng báo cáo của Truth Hounds khiến mọi người phải rùng mình vì nó tiết lộ sự tồn tại của một trại tập trung và một thế giới toàn trị ở châu Âu vào năm 2023. Các nhân chứng được hỏi đã mô tả chi tiết về sự tồn tại của một « mạng lưới các trung tâm giam giữ bất hợp pháp tại nhà máy Zaporijjia và ở thị trấn Enerhodar », nơi đã xảy ra những vụ đánh đập, gây thương tích nghiêm trọng, ngược đãi dã man, bóp cổ, tra tấn bằng điện, hơn nữa, những « tù nhân » và người thân của họ còn bị đe dọa hãm hiếp. Cũng theo báo cáo này, lực lượng Nga nhốt hàng chục người trong những phòng giam nhỏ, được thiết kế cho từ hai đến bốn người, và những người này không có nước uống hoặc không khí trong lành. Tù nhân có thể ăn đồ do người thân mang đến, nhưng những người không có gia đình thì phải xin đồ ăn và nước uống của các tù nhân khác.
Báo cáo cũng ghi nhận trường hợp của Andriy Honcharuk, một nhân viên nhà máy bị tra tấn cho đến chết. Theo Nick Yurlov, ba trường hợp bị tra tấn dẫn đến cái chết khác « đang được xác nhận », trong khi thị trưởng Enerhodar, Dmytro Orlov, đề cập đến ít nhất 1.000 người bị giam giữ và tra tấn kể từ tháng 03/2022.
Vai trò của các tình nguyện viên trong chiến tranh Ukraina
Trang nhất và bài xã luận của Libération chú ý đến vai trò của các tình nguyện viên trong cuộc chiến tranh Ukraina. Trong một vài năm nữa, khi nghĩ lại về cuộc chiến này, mọi người chắc chắn sẽ choáng váng và kinh hãi trước quy mô của những hành động man rợ được thực hiện trong khoảng thời gian này, trong khi ở Tây Âu, cuộc sống vẫn bình yên.
Nhờ có hàng nghìn tình nguyện viên được các tổ chức phi chính phủ và hiệp hội khác nhau cử đến những khu vực mà lực lượng của Vladimir Putin « nhắm đến », mà mọi người có thể biết được một cách tổng thể và chi tiết về những hành động tội ác chiến tranh do Matxcơva gây ra. Các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới đã ghi nhận các vụ đánh bom, giết người và hãm hiếp do binh lính Nga thực hiện nhắm vào thường dân Ukraina kể từ đầu cuộc xâm lược. Tất cả mọi người đều nhớ đến những hình ảnh khủng khiếp về vụ thảm sát Bucha, vào tháng 04/2022, nơi thường dân bị giết, tra tấn và hãm hiếp. Những hình ảnh ở Kherson, nơi có những phòng tra tấn. Và một lần nữa vào hôm qua, hơn 50 người đã thiệt mạng trong cuộc oanh kích của Nga nhắm vào một cửa hàng thực phẩm gần Kharkiv.
Các tổ chức quốc tế và cơ quan công quyền thực sự không thể bao quát được mọi sự kiện. Nếu không có tất cả những tình nguyện viên : luật sư, nhà báo, nhà nghiên cứu… – thì rất nhiều bằng chứng sẽ biến mất, khiến nạn nhân và gia đình thêm uất hận khi đứng trước khả năng những kẻ gây ra những tội ác nói trên có thể sẽ không bị trừng trị. Giải Nobel Hòa Bình 2023 được trao vào hôm nay, nhật báo thiên tả đã phỏng vấn người đoạt giải năm ngoái, Oleksandra Matviichuk, người điều hành Trung tâm Tự do Dân sự, với các tình nguyện viên không ngừng thu thập những bằng chứng về cuộc chiến này. Đối với bà Matviichuk, mọi tội ác đều phải được ghi nhận (và các thủ phạm phải bị trừng trị).
Các đảng cực hữu đang trỗi dậy trong chính giới châu Âu
Về chính trị châu Âu, tờ La Croix dành trang nhất quan tâm đến mối lo về dòng người di dân ồ ạt và lạm phát đang khiến các đảng cực hữu « có chỗ đứng » ở khắp lục địa già, thậm chí các đảng này còn lãnh đạo chính phủ ở một số nước thành viên Liên Âu (EU).
Ở mọi cuộc thăm dò, ở mọi cuộc bầu cử, phe cực hữu đang có được chỗ đứng không thể bàn cãi ở châu Âu. Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu lục, đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) đã trở thành lực lượng chính trị thứ hai trong nước, theo các cuộc thăm dò mới nhất : với 21% ý định bỏ phiếu ở cấp quốc gia, gấp đôi số điểm đạt được trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2021. Mặc dù vẫn đứng sau phe bảo thủ thuộc đảng Liên hiệp Dân chủ Kitô giáo Đức (CDU), nhưng AfD hiện đã vượt qua đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) cầm quyền.
Ở hơn một nửa số quốc gia châu Âu, các đảng cực hữu hiện đại diện cho lực lượng chính trị thứ hai, giúp họ có khả năng lên nắm quyền lãnh đạo đất nước. Tại Pháp, đảng Tập hợp Quốc gia (RN) thậm chí còn đứng đầu các cuộc thăm dò tại cuộc bầu cử châu Âu tiếp theo, sẽ diễn ra vào tháng 06/2024. Đảng cực hữu là một phần của các liên minh cầm quyền ở Thụy Điển, Phần Lan và Latvia, và đã lãnh đạo nước Ý từ một năm qua. Quỹ Jean-Jaurès phân tích rằng nỗi lo sợ về sự suy thoái của xã hội đã giúp các đảng này có được nhiều thành công ở khắp châu Âu.
Eddy Vautrin-Dumaine, giám đốc nghiên cứu tại Kantar Public, thì cho rằng tiếng nói của những đảng cực hữu có trọng lượng hơn nhờ các cuộc khủng hoảng di dân và sức mua bị giảm. Jean-Yves Camus, nhà khoa học chính trị chuyên về phe cực hữu nhận định : « Đối với các nước đang phát triển, châu Âu không còn được xem là trung tâm của thế giới, là châu lục có khả năng khẳng định các giá trị của mình. Và trong nội bộ, các quốc gia không còn có thể vận hành một mô hình phát triển thịnh vượng nữa. »
Jean-Yves Camus nói thêm rằng những người có cảm tình với các đảng theo chủ nghĩa dân tộc không chỉ là những người bị mất việc làm, mà còn cả những người nhận thấy những thay đổi về văn hóa đang diễn ra quá nhanh. Do đó, không ít người trong số này thuộc tầng lớp trung lưu. Hiện tượng này có thể thấy được ở cả Tây Âu, nơi nền dân chủ đã có từ xa xưa, lẫn các quốc gia Trung Âu. Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) nắm quyền ở Ba Lan hay đảng Fidesz của Viktor Orban ở Hungary sử dụng những luận điệu của các đảng cực hữu. Nhật báo Công Giáo kết luận rằng thành phần cử tri ủng hộ đảng PiS sống đa phần ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn, trong khi các thành phố lớn có xu hướng bỏ phiếu cho phe tự do và ủng hộ châu Âu.
Tình trạng troll hoài nghi về biến đổi khí hậu gây lo ngại
Về vấn đề môi trường, trang nhất của nhật báo Le Monde tỏ ra cảm thông với các chuyên gia về khí hậu bị xúc phạm trên mạng xã hội bởi các tài khoản ẩn danh, những người hoài nghi về biến đổi khí hậu hoặc mức độ nghiêm trọng của nó.
Xuất hiện ở khắp mọi nơi, các troll trên mạng xã hội hoạt động như một đội quân ngầm. Nhà khí hậu học Christophe Cassou thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) đã phải « đối mặt » với chúng vào năm 2022. Các troll không ngừng châm chọc, thậm chí là xúc phạm ông trên mạng X (tiền thân là Twitter) khi ông đăng các thông điệp mang tính giáo dục về chủ đề này. Tất cả đều hoài nghi về tính xác thực của sự nóng lên toàn cầu hoặc những hậu quả về khí hậu mà con người có thể tạo ra.
Nhà khí tượng học Guillaume Séchet, người tạo ra trang web Meteo-villes.com thì bị rủa là « chú hề », « thằng ngốc ». Ông nói : « Lúc đầu, tôi đã dành thời gian để phản hồi một cách rành mạch, mang tính xây dựng. Nhưng vô ích. Họ chỉ viết những lời lẽ xấu xa. »
Trong một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 02/2022, một số nhà nghiên cứu, bao gồm cả nhà toán học David Chavalarias từ Viện Hệ thống phức hợp, nhận thấy rằng đại dịch Covid-19 chấm dứt đã thúc đẩy hàng nghìn những kẻ thích thuyết âm mưu tìm các chủ đề « hoang tưởng » khác để thảo luận. Trên mạng X, hiện nay, có khoảng 30% tài khoản hoài nghi về vấn đề khí hậu.
« Mối đe dọa Hồi Giáo » vẫn bao trùm nước Pháp
Về thời sự nước Pháp, tờ Le Figaro dành trang nhất nói về việc bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin và các cơ quan tình báo liên tục đưa ra các cảnh báo về những mối đe dọa từ các tổ chức khủng bố, thường xuyên bắt giữ những thành phần thánh chiến Hồi Giáo có ý định tiến hành các vụ tấn công khủng bố. Ngoài Thế Vận Hội Olympic với một lễ khai mạc hoành tráng sẽ được tổ chức trên sông Seine, xứ lục lăng vào năm 2024 sẽ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandie, cuộc bầu cử châu Âu hay các sự kiện thường niên như Quốc Khánh 14/07, cuộc đua xe đạp Vòng Quanh Nước Pháp (Tour de France) và nhiều sự kiện quan trọng khác. Nhật báo thiên hữu lo ngại rằng những kẻ cuồng tín muốn tấn công nước Pháp có thể « sử dụng » mọi sự kiện nói trên để thực hiện hành động khủng bố, khiến chính quyền lo ngại kịch bản xấu nhất sẽ xảy ra.
No comments:
Post a Comment