Thursday, March 2, 2023

Ngoại trưởng Mỹ nói với Ngoại trưởng Nga tại G20: Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine tới cùng
Reuters
02/03/2023
VOA

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại cuộc họp G-20.

Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu đấu khẩu gay gắt với Nga về cuộc chiến ở Ukraine tại cuộc họp của các ngoại trưởng G-20 ở New Delhi hôm thứ Năm (2/3). Hai bên đối địch cáo buộc nhau gây bất ổn thế giới, theo Reuters

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa có cuộc gặp ngắn bên lề cuộc họp, trong đó ông Blinken kêu gọi Nga đảo ngược quyết định không tham gia hiệp ước hạt nhân START mới, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết.

Ông Blinken cũng nói với ông Lavrov rằng Washington sẵn sàng hỗ trợ Ukraine tự vệ cho đến cùng, quan chức này cho biết. Các nguồn tin cho biết hai ông nói chuyện với nhau chưa đầy 10 phút.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết ông Lavrov và ông Blinken “vừa đi vừa nói chuyện” với nhau và không dự định sẽ họp với nhau bên lề G-20, các hãng thông tấn Nga đưa tin.

Tin tức về cuộc trao đổi này được đưa ra vào cuối cuộc họp G-20 kéo dài một ngày, và đúng như dự đoán là cuộc họp dành phần lớn thời gian bàn về cuộc chiến Ukraine.

Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu kêu gọi các quốc gia G-20 tiếp tục gây áp lực lên Moscow để chấm dứt cuộc xung đột, hiện đã bước sang năm thứ hai.

Nga đáp trả, cáo buộc phương Tây biến chương trình nghị sự G-20 thành một “trò hề” và nói rằng các phái đoàn phương Tây muốn đổ trách nhiệm về những thất bại kinh tế của họ cho Moscow.

Ông Blinken nói trong bài phát biểu được đưa ra sau cuộc họp kín: “Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi Nga chấm dứt cuộc chiến xâm lược và rút quân khỏi Ukraine vì hòa bình quốc tế và ổn định kinh tế”.

“Thật không may, cuộc họp này một lần nữa bị phá hỏng bởi cuộc chiến vô cớ và phi lý của Nga chống lại Ukraine”, ông Blinken nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, trong phát biểu tại một hội nghị của Liên hợp quốc ở Geneva, cho biết Hoa Kỳ đã tìm cách “thăm dò an ninh của các cơ sở chiến lược của Nga được liệt kê theo Hiệp ước START mới bằng cách hỗ trợ chế độ Kiev tiến hành các cuộc tấn công vũ trang nhắm vào những nơi đó”.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho biết cuộc chiến ở Ukraine đã gây tổn hại cho “hầu hết mọi quốc gia trên hành tinh, về lương thực, năng lượng, lạm phát”.

G-20 phải phản ứng kiên quyết, giống như đã phản ứng tại Hội nghị thượng đỉnh Bali. Thông điệp tại Bali rất rõ ràng, với tư cách là G-20, chúng ta cần đưa ra các giải pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, thay vì để họ phải gánh chịu cuộc chiến của Nga”, bà Colonna nói, đề cập đến cuộc họp tháng 11 của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ ở Indonesia.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Lavrov đổ lỗi cho phương Tây về các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị toàn cầu.

“Một số phái đoàn phương Tây đã biến chương trình nghị sự G20 thành một trò hề, muốn đổ trách nhiệm về những thất bại kinh tế của họ cho Liên bang Nga”, ông Lavrov nói, theo một tuyên bố của Nga.

Trong bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các ngoại trưởng tìm tiếng nói chung về các vấn đề toàn cầu.

“Qúy vị đang gặp nhau vào thời điểm có sự chia rẽ toàn cầu sâu sắc”, ông Modi nói trong một thông điệp qua video. “Chúng ta không nên cho phép những vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết lại gây cản trở cho những vấn đề chúng ta có thể giải quyết”.

Ấn Độ, nước giữ chức chủ tịch của khối năm nay, đã từ chối lên án Nga về cuộc chiến và đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao trong khi tăng cường mua dầu của Nga.

G-20 là một nhóm kinh tế bao gồm các quốc gia G-7 giàu có cùng với Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Úc và Ả Rập Saudi, và một số quốc gia khác.

No comments:

Post a Comment