VNTB – Lại cải cách giáo dục: khổ!Mai Lan
10.02.2023 12:37
VNThoibao
(VNTB) – Bao nhiêu người khốn khổ với mỗi lần cải cách giáo dục.
Cứ mỗi lần cải cách giáo dục là bao nhiêu người khốn khổ: phụ huynh phải khốn khổ với chuyện tiền bạc cho mua sách giáo khoa mới, thầy cô giáo thì loay hoay với các khóa tập huấn để biết cách dạy phù hợp theo… yêu cầu cải cách.
Trong vô số cái lo đó, giờ còn thêm cái lo là liệu mai này trong quá trình “làm chính sách”, liệu có va vấp dẫn đến cáo buộc gì đó từ phía nhân danh “phòng chống tham nhũng, tiêu cực”?
Mới đây, trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn lời của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, khẳng định quan điểm “không thể bàn lùi” trong việc triển khai “Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Lý do của “không thể bàn lùi”, theo ông Nguyễn Kim Sơn đó là vì phải “thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, thực hiện chương trình hành động của Chính phủ”.
Theo ông Bộ trưởng, “đây là một bản đại thiết kế, một kịch bản rất hệ trọng cho giáo dục. Trong quá trình tiến hành phải kịp thời nhận diện các vấn đề, nhất là triển khai trong tình hình mỗi địa phương một điều kiện. Làm sao để vừa tạo tiền đề cho nhóm có điều kiện phát triển, chú ý được số đông và hỗ được cho nhóm khó khăn”.
Đề cập tới vai trò quan trọng của chính quyền địa phương, ông Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chỉ khi chính quyền địa phương vào cuộc thực sự thì những khó khăn như thừa thiếu giáo viên, tuyển dụng giáo viên, cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyên môn cho đội ngũ… mới giải quyết được.
Tháng 10 năm ngoái, ở một phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, tại đây ghi nhận ý kiến phát biểu từ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, rằng, “Ngành giáo dục chúng tôi nắm tất cả mọi thứ, trừ hai thứ: một là giáo viên, hai là tài chính. Và cả 2 điều này, chúng tôi chỉ với tư cách là người luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất.
Về giáo viên, ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lý, sau vài năm tha thiết đi xin, đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, năm nay dự kiến sẽ tuyển 27.850 giáo viên thì 2 năm vừa rồi đã có gần 29.000 giáo viên bỏ việc.
Không những thế, nhiều địa phương còn không dám tuyển, để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì biết trừ vào ai nên thôi “giao cho em ít chỉ tiêu em để đấy em trừ dần thế là xong”.
Thế thì chúng ta sẽ phải làm thế nào đây trong khi chúng ta vẫn nói phải có giáo viên, phải có biên chế… Cứ mỗi buổi chiều trong đầu tôi có vô số những chữ “phải phải phải”… ập đến” – ông Sơn nói.
Về mặt tài chính, ông Sơn đề nghị phải nhìn nhận “một cách sòng phẳng”: khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ghi rõ trách nhiệm đảm bảo các điều kiện để triển khai chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Cần có trường, lớp, có trang thiết bị, dụng cụ dạy học; đủ giáo viên, còn giáo viên trình độ như thế nào thì ngành giáo dục và đào tạo lo. Các tỉnh, thành phải tính toán cần bao nhiêu tiền để mua sắm trang thiết bị. Nếu ngân sách địa phương cân đối được thì cân đối, nếu không thì phải đề nghị trung ương hỗ trợ.
“Nhưng hàng năm các địa phương làm việc với trung ương về ngân sách Bộ Giáo dục và Đào tạo không được biết, việc các tỉnh làm việc với Bộ Tài chính và các cơ quan phê duyệt ngành giáo dục không biết được là tiền ấy phân bổ như thế nào, nơi nào thiếu nơi nào thừa.
Do vậy, không thể nói Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy tiền đi mua cái máy tính cho địa phương để làm phòng học tin học được. Chúng tôi chỉ luôn luôn lưu ý, tha thiết yêu cầu các địa phương chuẩn bị cho việc này và phải giám sát” – ông Nguyễn Kim Sơn diễn giải.
Theo ông Bộ trưởng, nếu có nhân danh “phòng chống tham nhũng, tiêu cực” ra sao trong chuyện triển khai “Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, thì phải đánh giá được “phần lõi” là lực lượng nhà giáo, sự vào cuộc của đội ngũ, những thay đổi về kỹ năng, phương pháp của nhà giáo – khâu quyết định của đổi mới; cùng với đó là những thay đổi trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, quản trị trường học…
Xem ra sự ổn định nhân sự chính trị mới là điều thật sự đang bận tâm trong cải cách giáo dục đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay. Bởi rất có thể trong thời gian tới, biết đâu chừng lại xảy ra chuyện “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”…
No comments:
Post a Comment